Các nhà khảo cổ học hải dương cho biết, sau 60 năm chôn vùi dưới đáy biển Hawaii, hai tàu ngầm tấn công được Nhật Bản sử dụng trong Thế chiến thứ II đã được phát hiện gần Trân Châu Cảng.
Dik Daso, người quản lý về máy bay quân đội hiện đại tại bảo tàng Vũ trụ và Hàng không của Smithsonian cho biết, những tàu ngầm “Samurai” này được thiết kế đặc biệt nhằm thực hiện một cuộc tấn công lén lút vào khu vực duyên hải Đông Mỹ. Mục tiêu nhắm đến có lẽ là Washington D.C và thành phố New York.
Hình ảnh một tàu ngầm “Samurai” đang nằm “hiền lành” dưới đáy biển. Ảnh: National Geographic. |
Chúng có tốc độ di chuyển rất nhanh và được đặt cách xa nhau. Trong một vài tình huống, chúng đã được dùng để chở những máy bay có cánh xếp lại được.
Khi Thế chiến thứ II chấm dứt vào năm 1945, Hải quân Mỹ đã thu được những phi đội tàu ngầm Nhật Bản trên Thái Bình Dương, gồm 5 tàu ngầm “Samurai”. Những chiếc tàu ngầm tìm thấy sau đó đã bị đánh chìm nhằm giữ cho công nghệ chế tạo loại phương tiện chiến tranh này không lọt vào tay Liên Xô.
Quân đội đã không lưu lại bất cứ thông tin nào về địa điểm những tàu ngầm này bị nhấn xuống. Theo những tài liệu công bố sau đó, tất cả các cơ quan tình báo phe Đồng minh hầu như không hề biết đến sự tồn tại của những chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới lớp I-400 cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Hình ảnh mô tả tàu ngầm “Samurai”. Ảnh: National Geographic
Từ năm 1992, nhà khảo cổ học Terry Kerby và đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu biển Hawaii đã bắt đầu việc săn lùng những tàu ngầm Samurai bằng những tàu lặn có người lái. Năm 2005, đội nghiên cứu đã tìm thấy một tàu ngầm thuộc lớp I-400 mang số hiệu I-401. Sau đó vào tháng 2/2009 họ tìm thấy 2 chiếc tàu ngầm nữa là I-14 và I-20.
Tàu ngầm mang số hiệu I-400, một trong những tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất được chế tạo và I-203 đến nay vẫn còn mất tích. Tàu ngầm lớp I-400 với chiều dài 120m, tải trọng khoảng 6.500 tấn, lớn hơn 3 lần so với tàu ngầm thông thường lúc đó. Chúng là những "hàng không mẫu hạm ngầm" thực thụ, có thể chở theo 3 máy bay ném bom.
Van Tilburg từ Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), một thành viên đội tìm kiếm nói rằng: “Thật xúc động khi nhìn thấy những vật thể như thế trong lòng đại dương. Những vũ khí tối tân phục vụ các cuộc chiến lại trở nên rất hiền lành trong làn nước thanh bình”.