Tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên phát hiện bằng chứng trực tiếp cho thấy một hồ nước ngọt từng tồn tại trên sao Hỏa.
>>> NaSa tung clip sao Hỏa lênh láng nước
Hiện không có nước trên khu vực hồ này, nhưng các kết quả khoan thăm dò và phân tích các lớp đất đá được thực hiện bởi các thiết bị khoa học trên tàu thăm dò Curiosity cho thấy hồ này từng tồn tại những điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển cách đây khoảng 3,6 tỷ năm.
Mẫu đá cho thấy dấu hiệu một hồ nước từng tồn tại trên sao Hỏa. (Ảnh: hjkc.de)
Các mẫu đá chứa dấu hiệu của carbon, hyđrô, ôxy, ni-tơ và lưu huỳnh. Đây là những điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science và tại cuộc họp của Liên hiệp địa vật lý Mỹ tại San Francisco, California.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện thấy những mẫu đá trên sao Hỏa cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của các hồ nước”, tiến sĩ Sanjeev Gupta, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AFP. “Đây là một phát hiện lớn bởi vì các hồ nước là môi trường lý tưởng để các dạng sống đơn giản phát triển và duy trì lâu dài".
Trong khi không phát hiện dạng sống nào ở trong các mẫu đá, ông Gupta cho biết tàu thăm dò Curiosity đã khoan xuống lớp sa thạch cũng như bùn đá và phát hiện thấy các khoáng đất sét, cho thấy một sự tương tác với nước.
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy bằng chứng của nước tại nhiều nơi trên bề mặt sao Hỏa và các tàu thăm dò quỹ đạo trước đây cũng thu thập được những dữ liệu cho thấy hành tinh đỏ có khả năng từng tồn tại những hồ nước ngọt.
NASA đã lựa chọn điểm hạ cánh trên sao Hỏa cho tàu thăm dò Curiosity vào tháng 8/2012 là miệng hố Gale bởi vì đây là khu vực được cho là chứa nhiều tầng địa chất và nhiều khả năng có nước.