Các nhà khoa học Australia tìm thấy hóa thạch của một loài cá sấu mới vẫn còn lưu giữ bữa ăn cuối cùng trong bụng là xác khủng long chân chim.
Tiến sĩ White và hóa thạch cá sấu Broken Dinosaur Killer. (Ảnh: Bảo tàng thời đại khủng long)
Hóa thạch cá sấu có biệt danh Broken Dinosaur Killer được thu thập từ một trang trại nuôi cừu ở ngoại ô bang Queensland, ước tính có niên đại hơn 95 triệu năm. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi ráp những mẩu xương hóa thạch của cá sấu, họ bất ngờ phát hiện một phần xác của khủng long chân chim nhỏ tuổi trong bụng nó. Theo nhà nghiên cứu Matt White đến từ Bảo tàng thời đại khủng long ở Australia, lần đầu tiên họ bắt gặp xác khủng long trong dạ dày cá sấu.
Hóa thạch được một nhóm nhà cổ sinh vật học phát hiện lần đầu gần Winton vào năm 2010 và mất hơn 6 năm để ghép lại hoàn chỉnh. Đây là bộ xương đầu tiên của khủng long chân chim trong vùng và bằng chứng đầu tiên cho thấy cá sấu ăn thịt khủng long ở Australia. Con cá sấu tiền sử và bữa ăn cuối cùng của nó sẽ tiếp tục cung cấp bằng chứng về mối quan hệ và hành vi của động vật sinh sống ở Australia cách đây hàng triệu năm.
Phát hiện cũng hé lộ khủng long là một phần quan trọng trong mạng lưới thức ăn kỷ Phấn Trắng. Khủng long không nằm ở đầu chuỗi thức ăn nhưng thuộc mạng lưới phức tạp bao gồm động vật có vú, dực long, chim và cá sấu. Qua hóa thạch, có thể thấy cá sấu sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì tới gần chúng.
Khủng long chân chim, động vật ăn cỏ nhỏ có mỏ đầy răng nhọn sinh sống trên Trái Đất hơn 100 triệu năm trước. Chúng có thể chỉ lớn hơn một chút so với con gà. White và cộng sự suy đoán khi con khủng long mò tới bờ sông, cá sấu lao lên và tấn công nó.
Hóa thạch cá sấu quá giòn để tách khỏi lớp đất bằng phương pháp thông thường, vì vậy các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ mới để kết hợp ảnh X-quang của hóa thạch. Sau đó, White sử dụng dữ liệu ảnh quét để chuẩn bị mẫu vật bằng công nghệ kỹ thuật số. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng, giúp phục dựng hình ảnh 3D của bộ xương.