Các nhà khoa học tin rằng cuối cùng họ đã tìm thấy địa điểm từng tồn tại thành phố Neta’im, được nhắc đến trong Kinh Cựu ước.
Căn cứ vào mối liên hệ giữa Neta’im với các thành phố khác được nhắc đến trong Kinh thánh và những di tích khảo cổ được cho là có từ thời Vua David (vị vua của người Israel xuất hiện trong Kinh thánh) trị vì, các nhà khoa học khẳng định Neta’im có thể nằm trong khu vực ngày nay có tên gọi Khirbet Qeiyafa thuộc Israel, một thành phố nằm trong khu vực thung lũng Elah.
Tại Khirbet Qeiyafa, giáo sư Yosef Garfinkel và Saar Ganor phát hiện nhiều di tích của một thành phố pháo đài cổ trên đỉnh một ngọn đồi nhìn sang thung lũng Elah. Các mảnh gốm và hầm chứa ô liu có niên đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên.
Di chỉ khảo cổ phát hiện tại Khirbet Qeiyafa
Phần lớn các học giả đều cho rằng đây là thời kỳ trị vì của Vua David. Ngoài ra, các chữ viết khắc trên gốm tìm thấy tại khu vực này, chữ viết cổ nhất của người Do Thái, cũng được cho là có niên đại tương tự có nói về một nền văn hoá phát triển tại khu vực này.
Giáo sư Gershon Galil, người chuyên nghiên cứu Kinh thánh tại Đại học Haifa của Israel cho rằng cư dân của Neta’im là những người thợ làm gốm chuyên sản xuất các đồ dùng phục vụ nhà vua. Nơi đây là một trung tâm hành chính quan trọng gần biên giới với người Philistines (tức tổ tiên người Palestine ngày nay).
Khẳng định Khirbet Qeiyafa là nơi từng tồn tại Neta’im càng có cơ sở hơn khi khu vực Khirbet Ğudraya gần thung lũng Elah cũng đã được xác định là thành phố Gederah trong Kinh thánh. Cả Gederah và Neta’im đều xuất hiện trong Kinh thánh có nội dung như sau: “Họ là những người thợ làm gốm, những cư dân của Neta’im và Gederah, họ sinh sống ở đây để phục vụ nhà vua”.
Trước đây, các nhà khảo cổ học từng cho rằng tại khu vực Khirbet Qeiyafa hiện nay từng tồn tại một thành phố khác cũng được nhắc đến trong Kinh thánh là Sha’arayim (có nghĩa là “Hai cổng”).