Những người làm khoa học đều biết loài chim thu được vi khuẩn đường ruột có lợi cho sức khỏe từ môi trường của chúng, nhưng một nghiên cứu mới tại đại học Georgia phát hiện thấy gà con được sinh ra đã mang sẵn vi khuẩn có ích trong ruột.
Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, Adriana Pedroso, cho biết phát hiện này - được trình bày tại cuộc họp lần thứ 108 của Hội vi trùng học Hoa Kỳ tại Boston - có thể có ý nghĩa quan trọng cho ngành công nghiệp gia cầm và an toàn thực phẩm.
Pedroso, nhà nghiên cứu bậc sau tiến sỹ thuộc Cao đẳng Y học thú y UGA, nói rằng: “Hiểu biết về mối quan hệ của vi khuẩn đối với sự phát triển của gà là bước đầu tiên tiến tới việc tạo ra những con gia cầm khỏe mạnh mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh”.
Probiotic. (Ảnh: www.avecom.be) |
Pedroso và các đồng nghiệp đã cho ấp hơn 300 quả trứng rồi ngâm chúng vào một chất tẩy trắng nhẹ trước khi lấy phôi bên trong bằng cách sử dụng dụng cụ vô trùng. Phân tích ADN cho thấy có tồn tại cộng đồng vi khuẩn đa dạng trong ruột của phôi đang phát triển. Pedroso và các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết rằng vi khuẩn xâm nhập bề mặt vỏ trứng vào lòng trắng trứng, sau đó được đưa vào ruột của phôi.
Đồng tác giả của cuộc nghiên cứu John Maurer, giáo sư điểu cầm học, cho biết những phát hiện này có thể hình thành một phương pháp tốt hơn cho việc thúc đẩy quá trình sinh trưởng của gia cầm, làm giảm nguy cơ của bệnh ngộ độc thực phẩm. Ông giải thích rằng ngành công nghiệp gia cầm đã dần không sử dụng thuốc đề kháng kích thích sinh trưởng trong những năm gần đây mà tăng cường việc sử dụng probiotic – vi khuẩn đường ruột có lợi – đối với những con mới nở. Việc thành lập một cộng đồng vi khuẩn có lợi ở gia cầm sẽ hạn chế vi khuẩn gây bệnh phát sinh. Nhưng các nghiên cứu về hiệu quả của probiotic vẫn chưa có được kết quả đồng nhất. Maurer cho biết tính toán về thời gian sử dụng probiotic là một điều rất quan trọng.
Ông nói: “Hiện nay, hầu hết probiotic được sử dụng sau khi gia cầm nở. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta nên sử dụng probiotic ở giai đoạn trứng để có kết quả tốt hơn”.
Ý kiến cho rằng phôi vô trùng trong trứng và gia cầm có vi khuẩn đường ruột sau khi nở đã xuất hiện từ những năm 1960, khi mà các thí nghiệm áp dụng kĩ thuật cấy vi khuẩn – thường là sử dụng đĩa cấy vi khuẩn Petri với kích thích tố sinh trưởng – không đạt được kết quả như mong muốn. Các kỹ thuật ADN mới hơn ví dụ như kỹ thuật mà Pedroso và các đồng nghiệp sử dụng, có độ nhạy cao, không bị ảnh hưởng bởi mức độ phát triển của vi khuẩn trong đĩa cấy.
Pedroso kết luận: “Những giả định trước đây đều dựa trên kỹ thuật cấy tế bào, nhưng hiện nay chúng tôi biết rằng chỉ có thể cấy khoảng 1% vi khuẩn trong sinh quyển mà thôi.”