Mới đây, một nghiên cứu của ĐH California (Mỹ) đã đưa ra kết luận rằng Trái đất của chúng ta ngày nay là sự kết hợp của hai hành tinh từ hơn 4,5 tỉ năm về trước.
Trước kia, các nhà khoa học tin rằng Mặt trăng được tạo ra nhờ một vụ va chạm cực mạnh giữa Trái đất và một hành tinh nhỏ hơn mang tên Theia. Vụ va chạm đã khiến Theia vỡ ra, tạo nên Mặt trăng của chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, nếu vậy thì đáng ra thành phần hóa học trên Mặt trăng phải khác hẳn chúng ta, vì phần lớn Mặt trăng đều được tạo bởi Theia. Nhưng qua các xét nghiệm thực tế của ĐH California, Mặt trăng có các đồng vị oxy giống hệt chúng ta, cụ thể là O-17 và O-18.
Vụ va chạm giữa Theia và Trái đất trước kia phải vô cùng mạnh.
Điều này chứng tỏ rằng vụ va chạm giữa Theia và Trái đất trước kia phải vô cùng mạnh, đến nỗi hai hành tinh tan vào nhau, tạo thành Trái đất mới. Trong quá trình này, một mảnh vỡ đã văng ra tạo thành Mặt trăng.
Nếu tò mò, video dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn trực quan hơn về cách Mặt trăng được tạo ra.
Chúng tôi không thấy điểm gì khác biệt giữa các đồng vị oxy trên Trái đất và Mặt trăng; chúng giống hệt nhau. Edward Young - Giáo sư địa chất và hóa học thiên văn nói
Giáo sư Young chia sẻ: "Theia đã hòa vào Trái đất và Mặt trăng, điều đó lý giải vì sao chúng ta không thấy dấu hiệu của Theia trên cả hai hành tinh".
Các mẫu đá trên Mặt trăng do Apollo 17 mang về.
Sự kiện này diễn ra vào khoảng 100 triệu năm sau khi Trái đất được hình thành - tức khoảng 4,5 tỉ năm về trước. Thời điểm đó, Theia là hành tinh có kích thước nhỏ, do đó không thể "sống sót" sau vụ va chạm.
Theo giáo sư Young, nếu không có sự kiện đó xảy ra, Theia hoàn toàn có thể đạt độ lớn cỡ sao Hỏa hoặc Trái đất. Thậm chí không loại trừ khả năng Theia còn có thể nuôi dưỡng sự sống.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.