Thay vì phải mất 7 tháng mới tới được Hoả tinh như hiện nay, trong tương lai con người có thể tới hành tinh này trong vòng 3 ngày, nhờ vào một loại động cơ ''siêu không gian'' mà Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu.
Nói cách khác, một phi thuyền được trang bị loại động cơ này có thể bay với vận tốc 5.573.611km/giờ (trong trường hợp Hoả tinh ở cách xa Trái đất nhất - 401.300.000km). Trong khi đó, vận tốc máy bay nhanh nhất hiện nay là 11.200km/giờ, kỷ lục do máy bay phản lực tĩnh siêu âm X-43A của NASA nắm giữ.
Động cơ đã được phác thảo về nguyên tắc song lại được dựa trên một lý thuyết gây tranh cãi về kết cấu của vũ trụ. Nó hoạt động bằng cách tạo ra một từ trường lớn tới mức từ trường đó sẽ tạo ra trường hấp dẫn và dẫn tới lực đẩy phi thuyền.
Ngoài ra, nếu từ trường đủ lớn, phi thuyền sẽ đi theo một chiều khác, nơi tốc độ ánh sáng nhanh hơn. Do vậy, phi thuyền có thể đạt tốc độ không thể tin được. Tắt từ trường sẽ làm động cơ tái xuất hiện trong chiều hiện tại của chúng ta.
Viễn cảnh thám hiểm Hoả tinh trong tương lai
Không quân Mỹ rất quan tâm tới ý tưởng này và các nhà khoa học thuộc Bộ Năng lượng cho biết họ có thể tiến hành thử nghiệm nếu lý thuyết được chứng minh là đúng. Hiện Bộ Năng lượng Mỹ có một thiết bị mang tên Z Machine, có thể tạo ra loại từ trường cần để đẩy động cơ này.
GS Jochem Hauser thuộc ĐH Khoa học ứng dụng (Đức) là một trong những nhà khoa học đưa ra ý tưởng trên. Trước đây ông là trưởng nhóm khí động lực học tại Cơ quan vũ trụ châu Âu. Ông cho biết nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, một chiếc động cơ như thế có thể được thử nghiệm trong khoảng 5 năm tới.
GS Hauser nói thêm rằng động cơ này sẽ đưa các phi thuyền tới những hệ mặt trời khác, chẳng hạn đưa con người tới một vì sao cách Trái đất 11 năm ánh sáng trong vòng 80 ngày. NASA đã tiếp xúc với ông và trong tuần này ông sẽ gặp các quan chức của Không quân Mỹ để thảo luận chi tiết hơn về động cơ siêu không gian.
Minh Sơn (Theo ScienceToday)