Sự sống trong xác chết 17 ngày

  •   32
  • 3.652

Tế bào gốc có thể sống ít nhất 17 ngày trong cơ thể người chết, theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Viện Pasteur, Pháp.

Khi tiếp cận tử thi đã chết 17 ngày, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Pasteur phát hiện các tế bào gốc vẫn “sống”, và đây chưa phải giới hạn tồn tại cuối cùng của chúng. Nhà bệnh học thần kinh, ông Fabrice Chrétien, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết trên LiveScience: “Có thể tế bào gốc còn tồn tại được lâu hơn thế”.

Nghiên cứu tiến hành với các tử thi được bảo quản tại nhiệt độ 4 độ C, với tế bào gốc được tách ra là loại tế bào gốc hình thành cơ xương. “Các tế bào này đã kháng lại những điều kiện độc hại và khắc nghiệt đến mức sống được đến 17 ngày trong cơ thể đã chết”, Chrétien cho biết.

Tế bào gốc là tế bào nền móng mà từ đó các loại tế bào của cơ thể người được tạo ra. Đây là một đặc tính vô cùng giá trị trong điều trị bệnh.

Tế bào gốc vẫn tiếp tục sống trong cơ thể đã chết 17 ngày.
Tế bào gốc vẫn tiếp tục sống trong cơ thể đã chết 17 ngày.

Tuy nhiên, những tế bào này thường rất hiếm, ít xuất hiện trong các mẫu mô của bệnh nhân và rất khó phân biệt với các loại tế bào khác. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp mới để tạo ra tế bào gốc và cải thiện khả năng tồn tại của nó.

Nghiên cứu trước đây cho rằng tế bào gốc có thể tồn tại được 2 ngày trong xác chết. Song theo các nhà khoa học, xác chết không phải là môi trường lý tưởng cho bất kỳ tế bào nào, do thiếu oxy và dưỡng chất mà tế bào của cơ thể cần để duy trì sự sống.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy tế bào gốc còn sống trong cơ thể con chuột chết 14 ngày. Những tế bào này vẫn hoạt động bình thường sau khi cấy vào cơ thể của chuột sống và giúp nó tái tạo lại những mô bị hỏng.

Tuy nhiên, Chrétien nhấn mạnh: “Như vậy không có nghĩa chúng tôi sẽ dùng tế bào từ xác chết lâu ngày để điều trị cho bệnh nhân. Đối với điều trị lâm sàng, chúng tôi chỉ dùng những tế bào từ xác mới chết vài giờ đồng hồ".

Những tế bào gốc ở xác người và chuột được tìm thấy đều ở dạng “ngủ đông”, hoạt động trao đổi chất giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện tế bào gốc có khả năng ngủ đông lâu như vậy.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, hoặc hoá chất xuất hiện sau khi chết hoặc mức độ oxy và dưỡng chất thấp trong xác hoặc kết hợp tất cả nhân tố trên có thể làm cho tế bào gốc rơi vào tình trạng ngủ đông, giúp chúng tồn tại hàng tuần.

Việc hiểu sâu về trạng thái ngủ đông này có thể tạo ra những cách thức mới giúp tế bào gốc tồn tại lâu hơn, phục vụ cho mục đích chữa trị.

Theo Vietnamnet
  • 32
  • 3.652