Theo Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM Huỳnh Kim Tước, thành phố đang duy trì 14 chương trình, dự án hợp tác trong nước về tiết kiệm năng lượng và 5 chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Các dự án hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí của thành phố đã đào tạo hơn 600 doanh nghiệp về thực hiện hoạt động tiết kiệm năng lượng, khoảng 200 doanh nghiệp khác được các chuyên gia tiết kiệm năng lượng giúp kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp.
Ông Tước cho biết lĩnh vực này đã thu hút sự tham gia của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Dự án Quản lý nhu cầu điện và tiết kiệm năng lượng Việt Nam. Dự án này tập trung hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ điện cao, các tòa nhà thương mại, khách sạn, cao ốc văn phòng thuộc khu vực tư nhân trên cơ sở đề ra một tập hợp giải pháp kỹ thuật-công nghệ-kinh tế-xã hội nhằm kiểm soát nhu cầu điện.
Khi tham gia đầu tư dự án, doanh nghiệp được tài trợ từ 24 đến 40% tổng chi phí đầu tư cho năm thứ nhất, nhưng tối đa là 38.000 USD, từ 19 đến 30% chi phí trong năm thứ hai với mức tối đa khoảng 28.500 USD)và từ 13 đến 20% chi phí trong năm thứ 3, tối đa 19.000 USD. Khoảng 50 doanh nghiệp đã đăng ký tìm hiểu và tham gia dự án này.
Chỉ bằng việc quyết định sử dụng biến tần tiết kiệm điện cho động cơ bơm quạt của 7 máy cắt giấy từ tháng 10-2005 đến nay, Công ty New Toyo chuyên sản xuất các loại sản phẩm bao bì giấy nhôm đóng tại Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore đã tiết kiệm được 45% mức tiêu thụ điện năng (khoảng 75.629 kWh/năm) tương đương với trên 68 triệu đồng tiền điện.
Tương tự New Toyo, Công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ thể thao sau khi lắp đặt bộ thu hồi nhiệt khói thải lò hơi 2,5 tấn/giờ từ tháng 5-2005 đến nay đã tiết kiệm được 15.000 kWh/năm, tương đương 13 triệu đồng tiền điện, đồng thời giảm 11,5 tấn khí CO2/năm.