Thứ tư ngày 29/6/2022 ngắn hơn 1,59 mili giây so với một ngày 24 tiếng tròn, kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu sử dụng đồng hồ nguyên tử để đo tốc độ quay của Trái Đất.
Tốc độ quay của Trái Đất có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Joecicak/iStock
Kỷ lục cũ thuộc về ngày 19/7/2020, khi Trái Đất hoàn thành một vòng quay ít hơn 1,4602 mili giây so với 24 tiếng tròn. Theo cơ quan Hệ thống Tham chiếu và Trái Đất Quay Quốc tế (IERS), ngày 26/7/2022, Trái Đất suýt phá kỷ lục một lần nữa khi một ngày ngắn hơn 1,50 mili giây.
Trái Đất quay hết một vòng trong khoảng 24 tiếng. Tuy nhiên, độ dài của ngày thay đổi khác nhau do một số nguyên nhân. Các lực thủy triều giữa Trái Đất và Mặt Trăng làm giãn ngày và khiến ngày trở nên dài hơn. Cứ khoảng 100 năm, Trái Đất lại mất thêm vài mili giây để hoàn thành một vòng quay. Sự chuyển động bên trong của hành tinh, khí quyển và các vệ tinh cũng làm thay đổi độ dài ngày.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, có vẻ thời gian của một ngày đang ngắn dần.
Trái Đất đã phá vỡ nhiều kỷ lục về tốc độ kể từ năm 2020. Năm 2020 có 28 ngày trong số những ngày ngắn nhất từng ghi nhận kể từ thập niên 1960. Giới chuyên gia chưa rõ chính xác lý do, nhưng một ý kiến cho rằng có thể do những thay đổi của trục quay.
Việc tìm hiểu các chuyển động phức tạp của hành tinh xanh, đặc biệt nếu chúng liên quan đến các chu kỳ dài hạn, có thể mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, may mắn là hầu hết ảnh hưởng của những dao động này không đáng kể. Nếu sự chênh lệch tích lũy sau nhiều tháng hoặc nhiều năm trở nên quá lớn, IERS có thể thêm một giây nhuận vào ngày giờ chính thức. Giây nhuận gần đây nhất được bổ sung vào ngày 31/12/2016.