Trái đất sắp trải qua một thời kỳ lạnh giá tương tự như cách đây khoảng 2.800 năm do Mặt trời ít hoạt động, các nhà khoa học Đức phỏng đoán.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất GFZ, đã phân tích lớp trầm tích dưới đáy hồ Meerfelder Maar ở Eifel (Đức) và phát hiện những bằng chứng trực tiếp cho thấy Trái đất từng trở nên lạnh giá bất thường do Mặt trời hoạt động ở mức thấp nhất.
Hồ Meerfelder Maar - nơi các nhà khoa học tìm thấy bằng
chứng về một thời kỳ lạnh giá trên Trái đất cách đây 2.800 năm
Tiến sĩ Achim Brauer, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail: “Một thời kỳ mát mẻ bất thường cùng với độ ẩm trong không khí tăng và lộng gió đã xảy ra ở châu Âu cách đây 2.800 năm. Cùng thời điểm đó, hoạt động của Mặt trời giảm dần xuống mức thấp nhất".
Sử dụng phương pháp hiện đại nhất hiện nay để phân tích các lớp trầm tích dưới đáy hồ Meerfelder Maar, các nhà khoa học có thể xác định chính xác thời kỳ lạnh giá trên Trái đất cách đây 2.800 năm kéo dài trong khoảng 200 năm.
Nếu nghiên cứu trên chính xác, một chu kỳ hoạt động yếu của Mặt trời sẽ có ảnh hưởng trực tiếp giúp hạ nhiệt Trái đất, khi hành tinh của chúng ta đang ngày càng ấm lên.
Hiện tại, Mặt trời đang trong giai đoạn hoạt động mạnh nhất, với sự gia tăng của các điểm đen và bão mặt trời. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng sau thời kỳ này, Mặt trời sẽ dần dần bước vào thời kỳ hoạt động yếu nhất và điều này có thể gây ra thời kỳ băng hà trên Trái đất.
Cách đây 3 thế kỷ, sự thay đổi tương tự của Mặt trời cũng gây ra một thời kỳ lạnh giá chưa từng thấy được gọi là thời kỷ "tiểu băng hà". Khi đó, băng hình thành trên mặt sông Themes ở London với độ dày trung bình khoảng 30cm và hàng nghìn người bị chết đói do băng tuyết bao phủ các cánh đồng.