Thông tin về "Trái đất thứ hai"

  •   3,58
  • 13.857

Các nhà thiên văn học đã phát hiện một hành tinh có nhiều điểm tương đồng với Trái đất. Hành tinh này có thể xoay quanh ngôi sao chủ của nó với khoảng cách tương đương từ Trái đất đến mặt trời.

NASA công bố thông tin về "Trái đất thứ hai"

Hành tinh này nằm trong vùng Goldilocks, nơi sự sống có thể tồn tại vì nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Hơn nữa, ngôi sao chủ già cỗi của nó cũng giống với mặt trời, AFP ngày 24.7 dẫn thông báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay.

Thông tin về "Trái đất thứ hai"
Ảnh so sánh Trái đất (bên trái) và "Trái đất thứ hai" - (Ảnh: Reuters)

Hành tinh này, cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng, có thể cho thấy một cái nhìn thoáng qua về tương lai của Trái đất, theo các nhà khoa học. Hành tinh này có tên là Kepler 452b được NASA phát hiện bằng kính thiên văn Kepler.

“Kepler 452b có quỹ đạo gần với 'người họ hàng gần' của Mặt trời, nhưng nó già hơn 1,5 tỉ năm tuổi”, theo NASA.
Nhà khoa học Doug Caldwell thuộc dự án Kepler, chuyên tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất cho biết nếu đây là hành tinh đá thì có nghĩa nó đang bước vào giai đoạn hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ từ ngôi sao chủ sẽ làm bốc hơi nước từ hồ và đại dương trên Kepler 452b mãi mãi.

Ông Caldwell cho biết những gì xảy ra tại Kepler 452b hiện tại chính là điều sẽ xảy đến với Trái Đất sau hơn 1 tỉ năm nữa, khi mặt trời già đi và trở nên sáng hơn.

Dự án Kepler được bắt đầu vào năm 2009 nhằm tìm kiếm sự sống ở các hành tinh ngoài hệ mặt trời. Hiện nay, có hàng ngàn hành tinh đã được phát hiện. Hôm 23.7, NASA đã công bố danh sách với 4.675 các hành tinh dạng này được tìm thấy bằng kính thiên văn.

Dữ liệu mới bao gồm 12 “ứng cử viên” có đường kính nhỏ hơn Trái đất 2 lần và đi theo quỹ đạo xung quanh sao chủ và có thể sinh sống được. Trong số 12 ứng viên này thì Kepler 452b được xác nhận là hành tinh đầu tiên.

Theo Thanh Niên
  • 3,58
  • 13.857