Các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục phát hiện những điều lạ lùng của vũ trụ, và mới nhất là hiện tượng gọi là Sóng Radcliffe, và điều thú vị hơn là nó từng quét qua Trái đất.
Báo cáo trên chuyên san Nature mô tả Sóng Radcliffe là một chuỗi các đám mây hình thành sao kết hợp với nhau thành một đợt sóng bí ẩn. Bản thân đợt sóng này cũng là cấu trúc nối liền lớn nhất của Dải Ngân hà.
Mô phỏng Sóng Radcliffe di chuyển trong Dải Ngân hà. (Ảnh: ĐẠI HỌC HARVARD).
Sóng Radcliffe trải dài suốt 9.000 năm ánh sáng, bắt đầu từ vị trí của chòm sao Đại Khuyển trên bầu trời đêm và kéo dài đến vị trí của chòm sao Thiên Nga, với Cygnus, ở giữa là chòm sao Lạp Hộ.
Giờ đây, các nhà khoa học phát hiện Sóng Radcliffe không hề đứng yên mà trên thực tế chuyển động, tương tự như "sóng" người hâm mộ lan khắp các khán đài của sân vận động trong một cuộc thi đấu.
Nếu xét về khía cạnh vũ trụ, cấu trúc sóng ở cách Trái đất khoảng 500 năm ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện có vẻ như Hệ Mặt trời của chúng ta từng lướt Sóng Radcliffe khoảng 13 triệu năm trước.
Chưa rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng ắt hẳn đó là giai đoạn đầy thú vị cho sự sống của Trái đất, theo đồng tác giả Catherine Zucker, nhà vật lý thiên văn của Trung tâm Harvard-Smithsonian về vật lý thiên văn.
Chuyên gia Zucker lưu ý Sóng Radcliffe chứa các đám mây hình thành sao, và vì thế xảy ra hiện tượng siêu tân tinh, với các ngôi sao nổ tung. Và Trái đất từng đi qua đợt sóng đó.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Sóng Radcliffe lại chuyển động? Thế lực nào đứng sau chuyển động đó.
"Nguyên nhân có thể là những ngôi sao trong quá trình trở thành siêu tân tinh đã tống bụi, khí khỏi mặt phẳng thiên hà, tạo nên dao động chạy dọc theo cấu trúc", theo tác giả chính, nghiên cứu sinh Ralf Konietzka của Đại học Harvard.
Chuyên gia Konietzka dự đoán mô hình sóng sẽ biến mất trong vài chục triệu năm nữa.