Cấu trúc khí lượn sóng trong dải Ngân Hà

  •  
  • 1.061

Các nhà thiên văn học hôm 7/1 công bố phát hiện dải khí hình lượn sóng dài tới 9.000 năm ánh sáng trong thiên hà Milky Way.

Cấu trúc khí được đặt tên là "Sóng Radcliffe" (mô phỏng bằng những chấm đỏ) và Mặt Trời (mô phỏng bằng chấm vàng)
Cấu trúc khí được đặt tên là "Sóng Radcliffe" (mô phỏng bằng những chấm đỏ) và Mặt Trời (mô phỏng bằng chấm vàng). (Ảnh: CNN).

Sóng Radcliffe được khám phá bằng cách sử dụng dữ liệu từ vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trước đây, dải khí khổng lồ này không được chú ý tới do có kích thước quá lớn và ở gần hệ Mặt Trời. Nhìn từ Trái Đất, nó bao phủ một nửa bầu trời khiến việc quan sát toàn bộ cấu trúc là rất khó khăn.

"Mặt Trời chỉ cách Sóng Radcliffe 500 năm ánh sáng tại điểm gần nhất. Nó ở ngay trước mắt chúng ta nhưng không ai nhìn ra nó cho đến bây giờ. Những gì chúng tôi quan sát được là một cấu trúc khí kết hợp, không phải hình tròn mà là dạng sóng nhấp nhô", João Alves, giáo sư vật lý thiên văn sao từ Đại học Vienna cho biết.

Theo ESA, đây là cấu trúc khí lớn nhất từng được phát hiện trong dải Ngân Hà. Nó dài tới 9.000 năm ánh sáng và rộng 400 năm ánh sáng. Để so sánh, thiên hà của chúng ta chỉ dày khoảng 1.000 - 2.000 năm ánh sáng.

"Chúng tôi không chắc chắn điều gì đã tạo nên hình dạng lượn sóng này, như thể có một thứ gì đó cực kỳ to lớn đã va chạm với thiên hà của chúng ta", Alves nói thêm. Một số giả thuyết đã được đưa ra, cho rằng Sóng Radcliffe là một khối vật chất tối hay sự tích tụ khí từ vầng hào quang của dải Ngân Hà, hoặc được hình thành từ các vườn ươm sao nối liền nhau.

Các chuyên gia hy vọng có thể tìm kiếm thêm các cấu trúc khí tương tự trong tương lai để giải mã nguồn gốc hình thành của chúng. Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trong cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ lần thứ 235 diễn ra ở Honolulu.

Cập nhật: 10/01/2020 Theo VnExpress
  • 1.061