Trải nghiệm của người đầu tiên trên thế giới được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19

Vậy là người đầu tiên trên thế giới đã được tiêm vắc-xin chống lại Covid-19, mặc dù đó mới chỉ là một mũi vắc-xin thử nghiệm.

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Kaiser Permanente Washington ở Seattle đã chích một mũi kim vào bắp tay Jennifer Haller, người phụ nữ 43 tuổi đang làm quản lý tại một công ty công nghệ nhỏ ở Mỹ.

Mũi kim này sẽ tiêm vào người Haller một vắc-xin có tên mã mRNA-1273, được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Moderna dưới sự hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Vắc-xin mới này đánh dấu một thời gian kỷ lục, trong đó các nhà khoa học phát triển được một loại vắc-xin chống lại một căn bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới.

Thông thường, trong các dịch bệnh trước, các nhà khoa học phải mất nhiều tháng cho đến hàng năm mới có thể cho xuất xưởng một lô vắc-xin thử nghiệm đầu tiên.

Nhưng để rút ngắn thời gian đó, Moderna đã áp dụng một phương pháp di truyền tương đối mới, không đòi hỏi phải nuôi cấy và phân lập virus, một công việc rất mất thời gian vì đòi hỏi nhiều quy trình an toàn rất khắt khe.

Thay vào đó, vắc-xin được tạo ra trực tiếp từ những mRNA, một chuỗi vật liệu di truyền có khả năng tạo ra protein. Moderna đã tham khảo bộ gene virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học Trung Quốc giải mã từ hồi tháng 1. Sau đó, họ nạp vắc-xin của mình với những mRNA mã hóa cho protein của virus này.

Vắc-xin này được điều chế dưới dạng tiêm, và sau khi vào cơ thể, các tế bào miễn dịch trong hạch bạch huyết có thể xử lý chuỗi mRNA của nó và bắt đầu tạo ra protein giúp các tế bào miễn dịch khác nhận diện virus SARS-CoV-2.

Đó chính là mục tiêu của mọi loại vắc-xin, chỉ cần nhận diện được virus SARS-CoV-2, các tế bào miễn dịch sẽ truy lùng và tiêu diệt sạch virus một khi nó lây nhiễm vào người đã được tiêm chủng.


"Tất cả chúng ta đều cảm thấy vô vọng. Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi làm một điều gì đó", Haller nói.

Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm ngoái, bây giờ đã lan ra hơn 100 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm hơn 174.000 và giết chết hơn 7.000 người trong số họ.

"Tất cả chúng ta đều cảm thấy vô vọng. Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi làm một điều gì đó", Haller phát biểu cảm nghĩ của cô sau khi trở thành người tình nguyện đầu tiên trên thế giới tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19.

Ngoài Haller, đợt thử nghiệm lần này của NIH và Moderna còn tiêm vắc-xin mRNA-1273 trên 3 tình nguyện viên khác.

Các thử nghiệm này được thực hiện để theo dõi các biến chứng và tác dụng phụ tiềm năng (nếu có) của vắc-xin. Trong trường hợp chúng không quá nghiêm trọng, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm vắc-xin trên hơn 40 tình nguyện viên nữa.

Mỗi người sẽ được tiêm hai liều mRNA-1273, mỗi liều cách nhau một tháng. Và vì đây chỉ là một thử nghiệm kiểm tra tính an toàn, không một tình nguyện viên nào được cho tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhưng sức khỏe của họ vẫn được các nhà khoa học theo dõi rất cẩn thận.

Tiến sĩ Lisa Jackson, trưởng nhóm nghiên cứu tại Kaiser Permanente cho biết: "Chúng tôi không biết liệu vắc-xin này sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch hay liệu nó có an toàn hay không. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần làm một thử nghiệm".

Rủi ro cao nhất trong số các tình nguyện viên này thuộc về những người cuối cùng, những tình nguyện viên khỏe mạnh nhất sẽ được tiêm một liều vắc-xin mạnh nhất. Các nhà khoa học cũng sẽ theo dõi họ, đồng thời lấy mẫu máu để kiểm tra xem vắc-xin mới này có tăng cường hệ miễn dịch cho người được tiêm hay không.

Trước đây, thử nghiệm trên động vật đã cho thấy vắc-xin mRNA-1273 có độ hiệu quả nhất định để chống lại virus SARS-CoV-2.

Cũng phải nói rằng thử nghiệm an toàn này mới chỉ là bước đầu trong giai đoạn I của thử nghiệm lâm sàng nhằm theo dõi các tác dụng phụ có thể có của vắc-xin tiềm năng. Sau khi thử nghiệm độ an toàn cho kết quả tốt, thử nghiệm độ hiệu quả của vắc-xin mới được tiến hành trên các nhóm nhỏ.

Thử nghiệm độ hiệu quả giai đoạn tiếp theo thường nhắm đến việc tiêm vắc-xin cho vài trăm cho đến vài ngàn tình nguyện viên khỏe mạnh ở vùng dịch, nơi có mầm bệnh lưu hành cao để xem vắc-xin có thể bảo vệ bao nhiêu phần trăm người trong số họ.

Nếu kết quả của thử nghiệm này tốt, nhà sản xuất mới được nộp đơn xin cấp phép để cung cấp vắc-xin của mình ra ngoài thị trường. Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, một đơn vị trực thuộc NIH cho biết:

"Ngay cả khi các thử nghiệm an toàn ban đầu này diễn ra tốt đẹp, thì bạn vẫn cần từ một năm đến một năm rưỡi trước khi bất kỳ loại vắc-xin nào có thể sẵn sàng để sử dụng rộng rãi".

Trở lại với Haller, tình nguyện viên đầu tiên được viêm vắc-xin Covid-19. Cô hiện đã là một bà mẹ với hai đứa con. Haller cho biết lũ trẻ nhà mình thấy việc mẹ chúng tham gia vào một thử nghiệm vắc-xin cũng giống như đăng ký một gameshow thú vị.

Sau khi tiêm, Haller rời khỏi phòng với một nụ cười trên môi: "Tôi cảm thấy thật tuyệt vời", cô chia sẻ.

Cập nhật: 18/03/2020 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video