Trạm vũ trụ hình bánh xe có thể chứa 400 người

Tập đoàn Lắp ráp Quỹ đạo (OAC) công bố chi tiết mới về dự án Voyager, trạm vũ trụ thương mại đầu tiên vận hành nhờ lực hấp dẫn nhân tạo.

Trước đó, OAC, công ty chuyên về thuộc địa hóa không gian, thảo luận về trạm Voyager trong sự kiện ảo "First Assembly" diễn ra hôm 29/1. Dự án này bắt nguồn từ nhiều năm trước. John Blincow thành lập Hiệp hội Gateway năm 2012. Kế hoạch của tổ chức bao gồm khởi động và duy trì ngành công nghiệp xây dựng không gian, đầu tiên với trạm Voyager và trạm vũ trụ thương mại Gateway. OAC được thành lập bởi đội ngũ kỹ sư của Hiệp hội Gateway năm 2018 nhằm biến mục tiêu thành hiện thực. OAC bao gồm cựu nhân viên NASA, phi công, kỹ sư và kiến trúc sư. Mục tiêu của họ là lắp ráp một "khách sạn không gian" ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, quay đủ nhanh để tạo ra lực hấp dẫn nhân tạo cho du khách, nhà khoa học, huấn luyện phi hành gia và bất cứ ai muốn trải nghiệm sống ngoài Trái Đất.


Thiết kế của trạm vũ trụ Voyager. (Ảnh: OAC).

Trạm Voyager lấy ý tưởng từ thiết kế của nhà khoa học tên lửa Wernher von Braun, một trong những chuyên gia đứng sau dự án Apollo của NASA. Không gian sống hình bánh xe rộng 200 m này sẽ quay với vận tốc góc đủ cao để tạo ra lực hấp dẫn nhân tạo như trên Mặt Trăng. Được thiết kế bởi thành viên ban điều hành kiêm kỹ sư trưởng Tim Alatorre của Hiệp hội Gateway, trạm Voyager sẽ trở thành công trình nhân tạo lớn nhất trong vũ trụ, trang bị đầy đủ để chứa tới 400 người. Quá trình lắp ráp sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2025. Trạm sẽ có nhiều tiện ích như các nhà hàng chủ đề, khu ngắm cảnh, rạp chiếu phim, nơi tổ chức hòa nhạc, quán bar, thư viện, phòng tập gym và spa chăm sóc sức khỏe.

Trạm Voyager sẽ có 24 module để sinh sống, mỗi module dài 20 m và rộng 12 m. Trước khi trạm có thể bắt đầu quay, các nhà thầu phải thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết và tạo ra cấu trúc nhỏ hơn để thử nghiệm thiết kế. Blincow giải thích kế hoạch hiện nay là xây dựng trạm vũ trụ quay quanh quỹ đạo theo từng giai đoạn, bắt đầu với trạm nguyên mẫu cỡ nhỏ, cùng với cơ sở vi trọng lực bay tự do, sử dụng các bộ phận của Voyager. Robot lắp ráp cấu trúc giằng (STAR) sẽ xây dựng bộ khung của trạm Voyager và Gateway trong quỹ đạo. Tuy nhiên, trước đó, một nguyên mẫu nhỏ hơn của robot gọi là DSTAR sẽ thử nghiệm công nghệ trên Trái Đất. Cỗ máy sẽ được hoàn thành và kiểm tra tại California, Mỹ. DSTAR có thể sản xuất khung giằng dài 90 m trong chưa đầy 90 phút. Với khối lượng gần 8 tấn, DSTAR cấu tạo từ thép, linh kiện điện và cơ khí.

Trước khi trạm Voyager Station có thể chở khách, OAC cần xây một trạm ở quỹ đạo thấp của Trái Đất để xem xét tính khả thi của trọng lực nhân tạo. Họ lên kế hoạch tạo nguyên mẫu vòng trọng lực đường kính 61 m với trọng lực nhân tạo gần giống sao Hỏa, tương đương khoảng 40% trọng lực trên Trái đất. Vòng trọng lực này cần 2 - 3 năm để xây dựng và phóng vào không gian.

Cập nhật: 01/03/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video