Đây là thành tích mới của ngành thám hiểm vũ trụ khi có thể tái sử dụng được nước thải và ngăn không cho vi khuẩn lây lan ngoài vũ trụ.
Nhà vệ sinh mới là tên gọi đơn giản cho Hệ thống quản lý chất thải toàn cầu (UWMS), sẽ được đưa vào sử dụng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào cuối năm nay.
Nhà vệ sinh này được cải tiến về mặt kiểu dáng, với các thanh để phi hành gia móc ngón chân vào. Không chỉ giúp phi hành gia có nơi "giải tỏa" thoải mái hơn, hệ thống này còn được thử nghiệm, chuẩn bị cho các hành trình thám hiểm xa hơn như sao Hỏa trong tương lai.
UWMS đảm bảo không có bất kỳ loại chất thải nào của con người bị bỏ ngoài vũ trụ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho các hành tinh khác. Thực tế, trong thời kỳ Apollo 11, các phi hành gia Mỹ đã để lại 96 túi phân người trên bề mặt Mặt Trăng. Không ít khoa học gia cho rằng loài người cần phải trở lại để làm sạch "chị Hằng".
Theo NASA, nhà vệ sinh mới đã có thể được sử dụng ngay từ mùa thu năm nay, nhưng họ vẫn chưa thể chọn được con tàu vũ trụ thích hợp để mang hệ thống mới vào không gian.
Phi hành gia Serena Auñón-Chancellor đang sửa sang lại nhà vệ sinh hiện tại của trạm ISS. (Ảnh: Space).
Du hành không gian trong thời gian dài sẽ tạo ra rất nhiều chất thải. NASA ước tính, cần xử lý khoảng 272kg chất thải trong suốt hành trình thám hiểm sao Hỏa.
"Mục tiêu của chúng tôi trong tương lai là làm khô chất thải, khiến chúng ngừng các hoạt động vi sinh bên trong và tái sử dụng nước thải. Ngoài ra, giảm lượng vật tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh cũng rất cần thiết cho một nhiệm vụ thám hiểm lâu dài", người phát ngôn của NASA cho hay.
Nhà vệ sinh hiện tại trên ISS đã có từ những năm 90 thế kỷ trước. Trong quá khứ, các phi hành gia rất khó khăn trong việc bài tiết ngoài không gian, đặc biệt là với các nhà du hành nữ giới.
Tháng 2/2019, truyền thông Nga đưa tin nhà vệ sinh trên ISS bị vỡ, làm đổ khoảng 4 lít chất thải ra ngoài. Các nhà du hành sau đó đã phải dọn dẹp lại bằng khăn.