Phi hành gia đã để lại hàng đống phân trên Mặt Trăng và chúng ta sẽ phải mang nó về

  •  
  • 3.667

Đã suýt soát 50 năm kể từ khi tàu Apollo 11 đưa những con người anh hùng lên mặt trăng. Dấu chân của Neil Armstrong vẫn còn đó, khi mà Mặt Trăng không có khí quyển, chẳng đâu ra gió để thổi bay dấu mốc quan trọng của nhân loại trên một cục đá trôi lơ lửng giữa Vũ trụ.

Nhưng dấu ấn ta để lại trên khuôn mặt chị Hằng không chỉ là dấu chân lịch sử: đâu đó còn có 96 túi phân người, là “thành quả” của tổng cộng 6 sứ mệnh Apollo. Những phi hành gia đầy dũng cảm đã “đi nặng” trên Mặt Trăng, để lại những tấm bỉm chứa phân trong những túi đặc biệt kín, ngay tại ngưỡng cửa vươn ra vũ trụ của nhân loại.

Ta không rõ số phận những túi phân đó ra sao, và các nhà khoa học học mò tột cùng, họ muốn biết kết quả của việc ủ phân trên Mặt Trăng là gì. Họ muốn biết trong túi kín có sự sống không.

Các phi hành gia để lại những tấm bỉm chứa phân trong những túi đặc biệt kín

Không cần ai nói, ta cũng biết phân người là thứ “vũ khí hóa học” ghê gớm với mùi thối đến kinh người, nhưng chính vi khuẩn gây nên những thứ mùi ghê sợ đó. Trong phân người là cả một thế giới sống động của sự sống. Khoảng 50% khối lượng phân bao gồm vi khuẩn, một cộng đồng lớn bao gồm hơn 1.000 loài vi khuẩn khác nhau vốn sống trong ruột người.

Trái Đất đã mang trên mình sự sống được 3,9 tỷ năm, các bằng chứng chỉ ra rằng trong suốt khoảng thời gian đó, bề mặt Mặt Trăng vẫn cứ buồn chán với sỏi và đá.

Với sứ mệnh Apollo 11, ta giới thiệu với vi khuẩn Trái Đất môi trường khắc nhiệt nhất chúng từng đặt chân tới, một chuyến trải nghiệm cuộc sống Vũ trụ trên một hành tinh không có khí quyển. Hoàn toàn không có chủ ý, những phi hành gia tạo ra một thử nghiệm có tiềm năng thay đổi hiểu biết của nhân loại về sự sống ngoài Trái Đất.

Mang được đống phân đó về, nhiều khả năng ta sẽ trả lời được câu hỏi: Sự sống làm cách nào để tồn tại, khi bị đặt vào một môi trường khó sống như Mặt Trăng? Và nếu vi khuẩn vẫn sống tốt trên Mặt Trăng, liệu chúng có tồn tại được suốt chuyến hành trình vũ trụ, để mang sự sống được tới những hành tinh khác không?

Túi rác bị vứt trên Mặt trăng

Sau khi Neil Armstrong trèo xuống thang, đặt lên Mặt Trăng dấu chân lịch sử, ông chụp tấm ảnh mà trong đó hiện rõ một túi rác. Không rõ trong túi có phân không (mà trang tin Vox cũng đã nối liên lạc với Buzz Aldrin để làm rõ sự thể, ông không trả lời), nhưng theo tài liệu lưu lại trong NASA History Office, khả năng cao là có một túi như thế này trên Mặt Trăng, trong đó có phân người.

Phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo 16, ông Charlie Duke đã trải qua tổng cộng 71 tiếng trên Mặt Trăng hồi năm 1972. Trong một cuộc gọi kiểm chứng thông tin, ông khẳng định phi hành đoàn đã để lại chút “phụ phẩm sau khi ăn” trên Mặt Trăng.

“Chúng tôi đã làm vậy đó”, ông nói. “Để lại nước tiểu trong một bình kín… và tôi tin rằng bụng dạ chúng tôi đã có chút biển chuyển - không chắc lắm - những thứ đó nằm gọn trong túi rác. Chúng tôi cũng đã vứt một vài túi rác trên bề mặt Mặt Trăng”.

Ông không nghĩ những con vi khuẩn sẽ sống sót, số rác kia sẽ bị bức xạ Mặt Trời triệt khuẩn hết. “Tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu thấy còn gì đó sống sót”. Và trước khi bạn lên án hành vi xả rác của những con người dũng cảm, hãy nghĩ tới sự an toàn trong hành trình đi về của họ.

Sứ mệnh Mặt Trăng được tính toán rất kỹ lưỡng, và cân nặng là một trong những yếu tố tối quan trọng”, Andrew Schuerger, nhà khoa học sự sống vũ trụ từ Đại học Florida, người vừa góp công hoàn thành bản báo cáo khoa học về vi khuẩn tồn tại trên Mặt Trăng, nói. “Vậy nên nếu bạn cầm về vài viên đá Mặt Trăng, bạn sẽ phải ném lại vài thứ thừa để đảm bảo chuyến đi về được an toàn”.

Trong chuyến bay lên Mặt Trăng, các phi hành gia sẽ phải đại tiện bằng: “một túi nhựa được gắn vùng mông, nhằm đựng phân thải ra. Một trải nghiệm không hề dễ chịu gì, thế mới thấy làm phi hành gia không sung sướng như bạn tưởng.

Các phi hành gia phải mặc bỉm để đi vệ sinh.

Khi lên được Mặt Trăng, phi hành gia sẽ dùng “đồ lót có khả năng thấm hút tối đa” để “giữ kín lượng phân thải”.

Gạt bỏ hết những từ ngữ hoa mỹ, ta cô đọng lại thành: Các phi hành gia phải mặc bỉm để đi vệ sinh.

Quần lót thấm hút tối đa

Ta vẫn đang trong giai đoạn kỷ niệm 50 năm tàu Apollo 11 đưa phi hành gia lên vũ trụ (20-7-1969 - 20-7-2019), hơn bao giờ hết con người tràn đầy hứng thú với một chuyến hành trình nữa lên Mặt Trăng. Đã có những dự định đầy tham vọng, đưa con người lên Mặt Trăng sớm nhất là năm 2028, đã có những nguồn vốn cho việc xây một Trạm Mặt Trăng, tiền đề để ta lên sao Hỏa.

Mà đã muốn lên sao Hỏa và đi xa hơn nữa, ta cần mở gần trăm túi phân, nước tiểu và dịch vị dạ dày (có do nôn mửa) đang nằm lại trên Mặt Trăng.

Hãy bàn về cái chết đau đớn của con vi khuẩn

Câu hỏi lớn nhất: liệu trong cái túi kín đó, có gì sống sót không? Khi biết sự thực, ta sẽ hiểu rõ hơn về giới hạn trên mà sự sống có thể chịu đựng. Sự sống vốn kỳ diệu, ta không biết chắc được chuyện gì xảy ra cho tới khi mở túi.

Bên cạnh đó, ta sẽ biết được kết quả của việc con người xả rác lên hành tinh khác, hay thậm chí ta có thể thả hạt giống vào đó và để sự sống tự phát triển, khi ta khám phá những hành tinh mới. Chỉ với những lý do trên, ta đã thấy mình cần quay lại Mặt Trăng tới nhường nào.

Tuy vậy, khi sử dụng thực tế khoa học mà nhìn nhận vấn đề, giáo sư Schuerger cho rằng tỉ lệ sống sót của vi khuẩn trong túi là khá thấp. Cách đây không lâu, nhà khoa học cùng một số cộng sự đã cho chạy phần mềm giả lập phân tích xem chuyện gì đã có thể xảy ra, liệu những sinh vật bé nhỏ trong túi phân có sống sót không. Đúng là túi rất kín, nhưng điều kiện Mặt Trăng vẫn khắc nghiệt như thế từ suốt 50 năm nay.

Điều kiện tự nhiên trên bề mặt mặt Trăng

Mặt Trăng không có từ trường để phản lại bức xạ vũ trụ, không có tầng ozone để chắn tia cực tím từ Mặt Trời. Môi trường chân không chưa bao giờ có lợi cho sự sống, nhất là khi nhiệt độ ban đêm chạm tới được -173 độ C, lên tới 100 độ C vào ban ngày. Ném một ấm nước lên Mặt Trăng vào ban ngày, bạn có thể đun sôi được nó.

Khả năng cao là những sinh vật sống trong túi phân đã chết từ lâu. Nhưng chúng vẫn là “những vật thể có khả năng chứa sự sống cao nhất từng được để lại bề mặt Mặt Trăng”.

Hãy bàn tới khả năng kỳ diệu của sự sống

Vi khuẩn tồn tại mà chẳng cần tới nhiều điều kiện chở che”, Margaret Race, nhà sinh vật học từ Viện Tìm kiếm Trí tuệ Ngoài Hành tinh (SETI) cho hay.

Trên Trái Đất, vi khuẩn tồn tại ở những nơi ta không ngờ tới: gần những ven thủy nhiệt nóng bỏng dưới đáy đại dương, 3.000 mét sâu dưới sông băng lạnh giá của Greenland. Trong sứ mệnh Apollo 16, các nhà khoa học đã thử để 9 loài sinh vật tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ (gồm virus, nấm men, nấm nhiều sợi, vi khuẩn và động vật không xương sống), một số sinh vật sống sót, dù chỉ là vài ngày.

Thiết bị thử nghiệm khả năng chống chọi của sự sống trong môi trường vũ trụ

“Sự sống không có định nghĩa với những luật lệ như "Không lên được quá mức nhiệt độ này, độ mặn kia hay tính acid cao như thế"”, nhà nghiên cứu Margaret Race nói. “Bất cứ lúc nào ta để mắt tìm kiếm, ta sẽ lại thấy sự sống”.

Để vi khuẩn sống được (hay ít nhất là có thể hồi sinh được) trong cái túi đựng phế thải, trước mắt, ta phải đảm bảo được một số yếu tố tiên quyết. Đầu tiên, túi phải kín hoàn toàn để giữ được độ ẩm, bởi lẽ vi khuẩn sẽ không thể phát triển nếu thiếu độ ẩm.

Trong môi trường ẩm của một cái bỉm kín, nhiều khả năng vi khuẩn sẽ tự sinh sôi được”, Mark Lupisella, một nhà khoa học NASA đã thực hiện nghiên cứu về phân trong túi, nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh đi nhặt phân trên Mặt Trăng.

Trên Mặt Trăng không có gió mạnh mà xé toạc cái túi, nhưng nhiệt độ thay đổi suốt cả ngày có thể khiến túi bục ra.

“Bên cạnh đó, chúng tôi không rõ phần bên trong của cái túi sẽ ra sao khi gặp ánh sáng Mặt Trời”, Schuerger nói. Nếu nhiệt độ đạt tới 100 độ C, vi khuẩn trên Mặt Trăng có lẽ chỉ sống được vài ngày, nhiều thì vài tuần.

Lupisella nói nếu trong túi phân không còn sự sống, bản thân cái túi vẫn rất đáng chú ý. Các nhà khoa học vẫn có thể tìm ra thời gian vi khuẩn sống, xem liệu nó có tiến hóa để thích nghi với môi trường đặc biệt khắc nghiệt hay không. “Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng hoàn toàn có khả năng những dạng sống này đột biến từ rất sớm”.

Thành phần trong phân người khô

Nhà nghiên cứu tin rằng, dù chỉ tin vào một phần trăm rất nhỏ, rằng chọn lọc tự nhiên đã tìm tới cái túi phân, cho phép những con vi khuẩn tiến hóa để tiếp tục tồn tại. Phải khẳng định lại, đây là môi trường khắc nghiệt nhất mà sự sống ta biết từng đặt chân tới. Ta cần phải biết trong vũ trụ, sự sống có đủ “cứng đầu” để tiếp tục tồn tại không.

Vẫn còn những khả năng khác nữa: vi khuẩn có thể được hồi sinh hay không. Nhiều khả năng chúng sẽ “ngủ đông” để chờ thời điểm thích hợp, và khi mang được chúng về, cho tiếp xúc với những môi trường đặt biệt, nhiều khả năng những con vi khuẩn sẽ sống lại. Ta có thể hồi sinh vi khuẩn trốn trong băng với niên đại cả chục ngàn năm, vi khuẩn sống trong phân trên Mặt Trăng mới vài thập kỷ chắc cũng dễ.

Những túi phân đó sẽ dẫn đường cho tương lai sao Hỏa của nhân loại

Nếu vi khuẩn sống được một khoảng thời gian xác định trên Mặt Trăng, chúng sẽ hoàn toàn có thể sống trên Sao Hỏa - nơi có khí quyển (dù hơi mỏng), môi trường dễ chịu hơn (so với Mặt Trăng) và nhiều bằng chứng cho thấy Sao Hỏa có nước (dù hơi ít).

Khu vực để túi phân của phi hành gia trên Mặt trăng

Có một trong những câu hỏi vẫn canh cánh trong lòng các nhà khoa học: “sao Hỏa đã từng có sự sống không?”. Dựa vào những yếu tố ta đã biết, nhiều khả năng sự sống trên sao Hỏa sẽ có vẻ ngoài giống vi khuẩn, hay một dạng sinh vật đơn bào nào khác.

Nhưng nếu ta đến được sao Hỏa, rồi chẳng may làm vương vãi phân đây đó trên bề mặt Hành tinh Đỏ, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu trên sẽ vĩnh viễn biến mất. Ta sẽ không biết vi khuẩn trên sao Hỏa là có nguồn gốc bản địa, hay chúng chui ra từ phân của phi hành gia. Nếu như vi khuẩn nguồn gốc Trái Đất mà thích thú với điều kiện sống của sao Hỏa, ta sẽ không thể ngăn nó “lây lan”.

Hai năm trước khi tàu Apollo 11 thực hiện thành công sứ mệnh Mặt Trăng, loài người có chung tay ký vào Hiệp ước Vũ trụ Liên hợp quốc, tuyên bố “tránh mọi hành động vấy bẩn vũ trụ và những thiên thể ngoài xa”. Nhưng khi buồn đi vệ sinh ở một nơi không bóng người, sẽ thật khó để tôn vinh những lời đã nói từ năm 1967; chẳng may hệ thống chứa phân mà gặp trục trặc, hậu quả sẽ khó lường.

Mối liên kết không ngờ giữa phân trên Mặt trăng và nguồn gốc sự sống Trái đất

Trong khi ta tiếp tục lên kế hoạch đặt chân xuống Mặt Trăng lần nữa, ta cần cẩn thận tính toán để không ảnh hưởng tới những “cổ vật” đang có tại đó. Theo nhiều nguồn tin và tính toán, hạ cánh trong bán kính 100 mét quanh khu vực tàu cũ sẽ làm hư hại những thứ đồ ta để lại Mặt Trăng.

Điều kiện tự nhiên trên bề mặt mặt trăng

Cần làm mọi cách để bảo vệ số tài sản đó: ngoài giá trị lịch sử, nó còn đầy những giá trị khoa học nữa. Ta cần quay lại để lấy mấy túi phân kia, lấy nhanh kẻo tương lai bất định, không biết đường nào mà lần.

Bạn đã từng nghe tới giả thuyết “Sự sống trên Trái Đất đến từ hành tinh khác” chưa? Hãy tưởng tượng một viên thiên thạch đâm vào Mặt Trăng, làm phân (và vi khuẩn trong đó, giả định là chúng sống sót) bay vào không gian. Liệu những con vi khuẩn đó có thể trở thành nguồn căn sự sống ở một hành tinh xa xôi nào không?

Trên Mặt trăng, đông phân phi hành gia để lại vẫn đang nằm im, chờ ngày được khám phá

Liệu nguồn gốc sự sống trên Trái Đất bắt nguồn từ … phân của người ngoài hành tinh? Nhà nghiên cứu Lupisella khẳng định: hiện tại không có giả thuyết nào nói tới khả năng này, nhưng dựa trên khoa học mà nói, thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu vi khuẩn những túi phân trên Mặt Trăng vẫn sống sót, hay ngủ im lìm để chờ ngày hồi sinh, thì có thể cho rằng vi khuẩn sống được trong chuyến hành trình liên hành tinh, thậm chí tới được những hệ sao khác để gieo rắc sự sống.

“Liệu dạng sống đơn giản có thể lan ra toàn vũ trụ như cách sóng vô tuyến làm không, hay chúng cần phải đợi cả tỷ năm để một loài phát triển đủ cao, để làm ra tàu không gian đưa sự sống tới hành tinh khác?”, nhà khoa học hành tinh Phil Metzger nói. “Đây mới chỉ là một trong RẤT NHIỀU câu hỏi khoa học quan trọng chúng ta có thể trả lời khi quay lại Mặt Trăng”.

Bản thân sự sống vẫn luôn là điều kỳ diệu, ngay cả khi sự sống tồn tại trong thế giới thối hoắc của phân.

Cập nhật: 17/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3.667