Các nhà nghiên cứu kết luận một trận hạn hán lớn có thể thúc đẩy quân Hung Nô tràn vào cướp phá phía đông La Mã vào năm 430 - 450, dẫn tới sự sụp đổ của vương quốc.
Minh họa quân Hung Nô cướp phá phía đông La Mã vào năm 430 - 450. (Ảnh: Depositphotos)
Nhà nghiên cứu Ulf Büntgen và cộng sự ở Đại học Cambridge phân tích để phục dựng dữ liệu khí hậu trong 2000 năm qua. Họ rút ra kết luận Hungary ngày nay, khi đó là một trong những biên giới của đế quốc La Mã, trải qua mùa hè khô hạn khác thường vào thế kỷ 4 và 5 với hạn hán kéo dài từ năm 420 đến 450.
Đây là khoảng thời gian rơi vào giữa cuộc di cư lớn mang tên Sự xâm lăng của người man rợ từ năm 300 đến năm 700. Trong thời kỳ này, quân Hung Nô tấn công những vùng đất của đế quốc La Mã. Động lực chính thôi thúc họ là vàng và lãnh thổ. Nhưng nhóm nghiên cứu ở Đại học Cambridge chỉ ra một nguyên nhân khả thi khác là nạn đói. Hạn hán kéo dài trong khu vực dẫn tới mùa màng thất thu và giảm diện tích đồng cỏ để chăn nuôi, khiến các bộ lạc phải đi xa để tìm kiếm thức ăn. Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu hôm 14/12 trên tạp chí Roman Archaeology.
"Nếu tài nguyên trở nên quá khan hiếm, dân cư có thể buộc phải di chuyển, chuyển từ trồng trọt sang chăn thả di động", giáo sư Susanne Hakenbeck ở khoa Khảo cổ của Đại học Cambridge, suy đoán. "Đó có thể là chiến lược sinh tồn quan trọng trong thời kỳ biến đổi khí hậu".
Ngoài ra, kết quả phân tích hài cốt từ 5 nghĩa trang trong vùng của Hakenbeck và cộng sự cho thấy nhiều cá nhân thay đổi đáng kể chế độ ăn trong suốt cuộc đời, thường xuyên thay đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi.
Dù các nhà khoa học nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để xác nhận giả thuyết hạn hán là động lực cướp bóc của quân Hung Nô, họ đề cập tới một yêu cầu của vua Hung Nô là Attila sau khi tấn công lãnh thổ Thrace và Illyricum của La Mã. Ông yêu cầu một dải đất rộng bằng 5 ngày cưỡi ngựa dọc sông Danube. Đây có thể là bằng chứng quân Hung Nô cần đất đai để tăng đồng cỏ cho gia súc trong thời kỳ hạn hán.