Trận mưa sao băng lớn nhất năm 2007

Các nhà thiên văn học cho biết, trong đêm nay và đêm mai, trận mưa sao băng kỳ vĩ nhất năm sẽ đạt đến đỉnh điểm. Các nước thuộc khu vực Đông Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ có thể quan sát rất rõ hiện tượng này.

Các nhà thiên văn học David Levy và Stephen Edberg viết về trận mưa sao băng này như sau: Nếu chưa chứng kiến mưa sao băng Geminid thì có thể coi như chưa từng nhìn thấy mưa sao băng.

Nguồn gốc

Hình ảnh dải bụi sao chổi trong vũ trụ (Ảnh: ND)

Trận mưa sao băng được đặt tên là Geminid vì nó xảy ra gần với ngôi sao lớn Castor (con hải ly) thuộc chòm sao Geminid (Song Tử).

Mưa sao băng Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ 19 và cho đến nay nó luôn được coi là trận mưa sao băng lớn nhất của năm. Trong một thời gian dài nguồn gốc của mưa sao băng Geminids khá bí ẩn, các nhà thiên văn cố gắng kiếm tìm sao chổi đã gây ra trận mưa sao băng này. Nhưng sự việc chỉ được sáng tỏ vào năm 1983, khi NASA phát hiện ra vật thể 3200 Phaethon có lẽ chính là nguồn gốc gây ra mưa sao băng Geminids hằng năm từ 7 đến 17-12.

Sao băng xuất hiện khi các mảnh vật chất nhỏ bị Trái Đất hấp dẫn và bốc cháy tạo thành vệt dài khi xuyên qua bầu khí quyển. Các trận mưa sao băng thông thường đều có nguồn gốc từ một sao chổi.

Các sao chổi trên hành trình của nó tiến lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi, băng và khí. Các vật chất nhỏ gồm bụi và băng phát tán từ sao chổi vương vãi chung quanh quĩ đạo của nó.

Khi Trái Đất trong quĩ đạo quay quanh Mặt Trời của mình đi vào vùng bụi này sẽ xuất hiện các trận mưa sao băng. Các trận mưa sao băng lớn của năm như Perseids diễn ra vào tháng 8 có nguồn gốc từ các đám bụi của sao chổi Swift - Tuttle, mưa sao băng Leonids diễn ra vào tháng 11 có nguồn gốc từ sao chổi Tempel - Tuttle.

Với vật thể 3200 Phaethon - nguyên nhân tạo ra sao băng Geminids, hiện nay nó không giống một ngôi sao chổi mà như là một tiểu hành tinh với cấu tạo bằng vật chất rắn hơn là băng và nước. Nhưng các nhà thiên văn tin rằng 3200 Phaeteon vốn là nhân của một sao chổi đã bị gió mặt trời thổi bay hết lớp vỏ ngoài.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, mưa sao băng Geminid nổi tiếng vì vừa có những sao băng rơi chậm, sáng chói, rực rỡ và các quả cầu lửa vừa có những sao băng nhỏ, có ánh sáng yếu và các vật thể có ánh sáng trung bình.

Tốc độ trung bình của các sao băng Geminid là khoảng 35km/giây. Chúng sáng chói và có màu trắng, tuy nhiên, khác với mưa sao băng Perseids, chúng để lại những vệt, sọc dài trông thấy được trên đường rơi.

(Ảnh: abc.net.au)

Mưa sao băng Geminid dày đặc hơn gấp bốn lần so với các trận mưa sao băng thông thường. Lúc cao điểm, có thể đếm được đến 120 sao băng rơi trong một giờ. Mưa sao băng Geminid năm nào cũng đẹp, nhưng theo nhà thiên văn học người Anh, ông Alastair McBeath thì trận mưa sao băng năm nay là cực lớn.

Năm ngoái, mưa sao băng Geminid bị mặt trăng che khuất nhưng năm nay, tuần trăng mới bắt đầu vào ngày 9-12 nên trong các đêm 13, 14-12, trăng lưỡi liềm và lặn sớm nên bầu trời sẽ tối đen, khiến cho điều kiện quan sát mưa sao băng càng trở nên hoàn hảo.

Ông McBeath dự tính, mưa sao băng Geminid sẽ đạt đến đỉnh điểm vào hồi 14 giờ 45 giờ GMT, ngày 14-12. Điều đó có nghĩa là các nước từ vùng trung tâm Đông Á cắt ngang Thái Bình Dương cho tới Alaska sẽ là những điểm quan sát tốt nhất.

Làm gì để quan sát mưa sao băng

Mưa sao băng Geminid bắt đầu ở chân trời phía đông - đông bắc vào đầu tối.

Hình ảnh trận mưa sẽ trở nên rõ ràng hơn kể từ sau 22 giờ (giờ địa phương) bởi vì ánh sáng tỏa ra từ các sao băng trở nên rực rỡ ở phía đông bầu trời vào thời điểm này. Tuy nhiên, những hình ảnh tốt nhất chỉ có thể quan sát được vào lúc 2 giờ sáng - thời điểm Phaethon đi ngang qua Trái Đất - khi mà các cơn mưa sao băng xuất hiện ngay trên đầu người quan sát.

Ngọc Trác (Tổng hợp)

Theo Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video