Tuyên bố về tàn tích của con tàu Noah trên núi Ararat của các nhà khảo cổ gây nhiều nghi ngờ trong giới khoa học.
Các nhà thám hiểm Thổ Nhĩ Kỳ và Hong Kong, Trung Quốc thuộc tổ chức Liên vụ Quốc tế Tàu Noah (NAMI) năm 2007 tuyên bố phát hiện 7 khoang tàu lớn làm bằng gỗ bị chôn vùi ở độ cao 4.000m so với mực nước biển trên núi Ararat, Thổ Nhĩ Kỳ, theo National Geographic. Họ quay trở lại địa điểm khảo cổ cùng với một đoàn làm phim vào tháng 10/2009.
"Chúng tôi không dám chắc 100% đây là con tàu Noah, nhưng chúng tôi nghĩ rằng 99,9% chính là nó", Yeung Wing-cheung, một nhà làm phim đi cùng với đoàn thám hiểm, cho biết.
Theo Man-fai Yuen, thành viên của tổ chức NAMI, cấu trúc con tàu gỗ trên núi Ararat được chia thành nhiều khoảng trống khác nhau. "Chúng tôi tin rằng đây là con tàu Noah. Nó có đặc điểm giống như mô tả trong các tài liệu lịch sử", Yuen nói.
Dựa vào phương pháp phân tích phóng xạ carbon gỗ của con tàu trên núi Ararat, nhóm nghiên cứu xác định con tàu khoảng 4.800 năm tuổi, trùng với thời gian xảy ra trận đại hồng thủy được ghi chép trong Kinh Thánh.
Các nhà thám hiểm tuyên bố tìm thấy con tàu Noah nằm ở gần đỉnh của ngọn núi Ararat, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: National Geographic).
Theo Kinh Thánh, con tàu Noah đã bảo vệ Noah cùng gia đình ông và các loài động vật trên Trái Đất trong trận đại hồng thủy tiêu diệt gần hết nhân loại. Nhiều người theo đạo Cơ đốc tin rằng sau trận lụt, tàu Noah dạt về núi Ararat và bị chôn vùi bên dưới lớp tuyết và tro bụi núi lửa.
Tuy nhiên, phát hiện này của NAMI khiến nhiều chuyên gia khoa học và sử gia nghi ngờ. "Tôi chưa từng thấy đoàn thám hiểm nào đi tìm con tàu Noah mà không tuyên bố phát hiện ra nó", Paul Zimansky, nhà khảo cổ học chuyên về Trung Đông tại Đại học Stony Brook, Mỹ, nói.
Jack Sasson, giáo sư nghiên cứu về người Do Thái và Kinh Thánh tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Mỹ, cho biết cuốn Sáng Thế Ký không hề nhắc tới núi Ararat, mà chỉ nói rằng con tàu dừng lại ở núi Urartu. Bởi vậy, kết luận cho rằng tàn tích trên núi Ararat chính là tàu Noah có thể là nhận định sai lầm.
Paul Zimansk tại Đại học Stony Brook, Mỹ, cũng đồng ý với cách phân tích này. Ông nói rằng không ai liên hệ ngọn núi Ararat với tàu Noah cho đến thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, và cũng không có chứng cứ nào về mặt địa chất cho thấy từng xảy ra một trận đại hồng thủy ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 4.000 năm.
Ngay cả khi nhóm nghiên cứu NAMI tìm thấy cấu trúc bằng gỗ hoặc thậm chí một con tàu trên núi Ararat, vẫn có những cách giải thích về nó. Đây có thể là một ngôi đền được xây dựng bởi những người theo đạo Cơ Đốc đầu tiên để tưởng nhớ địa điểm con tàu Noah dừng chân, Zimansky cho biết.
Theo các chuyên gia, gỗ trên tàu Noah nếu có thật cũng không thể tồn tại qua hàng nghìn năm. Nếu tàu Noah thực sự mắc kẹt trên đỉnh Ararat, nó sẽ bị những đợt vận động mạnh mẽ của băng hà đẩy xuống vùng thấp hơn từ rất lâu và đã vỡ nát trong quá trình này, không thể để lại dấu tích còn nguyên vẹn.
Thổ Nhĩ Kỳ và NAMI từng tuyên bố sẽ nộp hồ sơ lên UNESCO để được công nhận dấu tích "tàu Noah" này là di sản thế giới, nhưng đến nay Liên Hợp Quốc vẫn chưa nhận được bất cứ đề nghị chính thức nào như vậy.