Nghiên cứu mới cho rằng hóa thạch rắn 4 chân không mang đặc điểm của loài rắn và thực chất là một loài thằn lằn cổ đại sống dưới nước.
Tiến sỹ Michael Caldwell, trưởng khoa sinh học, trường Đại học Alberta, Canada, cho rằng hóa thạch sinh vật mang tên Tetrapodophis amplectus, được cho là một con rắn 4 chân, thực chất là loài thằn lằn dolichosaurid. Đây là loài động vật đã tuyệt chủng có thân giống rắn và là tổ tiên của một số loài thằn lằn đại dương và bò sát, Nature World News hôm 1/11 đưa tin.
Nghiên cứu về Tetrapodophis amplectus (có nghĩa là rắn bốn chân) được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2015 bởi David Martill, giáo sư cổ sinh học, Đại học Portsmouth, Anh. Ông cho rằng loài động vật dài khoảng 20cm này sử dụng chân nhỏ để săn bắt và giữ bạn tình trong khi giao phối. Nó là mắt xích quan trọng chứng tỏ loài rắn tiến hóa từ thằn lằn bốn chân.
Hóa thạch rắn bốn chân Tetrapodophis với phần đầu quặp lại ở góc trái. (Ảnh: David Martill).
Nghiên cứu này của giáo sư Martill rất được Cardwell quan tâm, bởi ông cho rằng nhiều đặc điểm được nhắc đến trong nghiên cứu là những bằng chứng mơ hồ.
Ông và đồng nghiệp đến Đức, sử dụng kính hiển vi kỹ thuật số để phóng to hình ảnh hóa thạch. Từ đó, họ kết luận đây không phải là hóa thạch rắn bốn chân.
"Tetrapodophis không có các đặc trưng thường gặp ở loài rắn", Caldwell nhấn mạnh.
Cụ thể, Tetrapodophis amplectus không có răng hình móc câu giống loài rắn và hóa thạch được tìm thấy trong dạ dày nó thực chất là xương cá, có thể là thức ăn của nó. Điều này chứng tỏ Tetrapodophis nhiều khả năng là thằn lằn dolichosaurid, một loài động vật sống dưới nước.
Tuy nhiên, kết luận này vấp phải sự phản bác của giáo sư Martill.
"Tôi nghĩ Caldwell chưa chứng minh được Tetrapodophis không phải là rắn. Một số quan sát của ông ấy, ví dụ như việc nó không có răng hình móc câu, là sai. Tetrapodophis có một hàng vảy bụng và khớp nối đốt sống của loài rắn. Ngoài ra, nó mang nhiều đặc điểm khác giống loài rắn dựa trên kết quả giải phẫu hộp sọ", giáo sư Martill khẳng định.