Các nhà nghiên cứu đang xem xét ý tưởng sử dụng tàu bắn nước biển lên cao trên bầu trời, tạo ra mây phản xạ ánh sáng mặt trời và do đó giúp chống hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này khiến không ít người lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn khi một chính phủ nào đó sử dụng công nghệ thay đổi thời tiết cho những mục đích chính trị.
>>> Phát triển mây nhân tạo cho World Cup 2022
Nhà vật lý khí quyển Rob Wood đến từ Đại học Washington (Mỹ) đang lên tiếng kêu gọi cộng đồng khoa học khám phá khả năng sản sinh mây nhân tạo chống biến đổi khí hậu.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society số tháng này, ông Wood đã mô tả cách thức tiến hành các thử nghiệm kiểm tra ý tưởng trên. Nhà khoa học này cũng đề cập kỹ tới việc loại tàu nào sẽ sử dụng tốt nhất để phun nước biển lên trời, các giọt nước nên lớn tới mức nào và những tác động về khí hậu có thể xảy ra.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, dùng tàu bắn nước biển lên trời có thể tạo ra những
đám mây lớn phản xạ ánh sáng mặt trời, giúp chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Corbis)
Theo trang Daily Mail, ý tưởng mà ông Wood theo đuổi dựa vào lý thuyết “marine cloud brightening” (tạm dịch: làm trắng mây bằng nước biển). Trong đó, việc thêm các hạt, trong trường hợp này là muối biển, lên bầu trời phía trên đại dương sẽ giúp hình thành những đám mây lớn và có tuổi thọ cao.
Như ta đã biết, các đám mây xuất hiện khi nước ngưng tụ quanh các hạt. Vì lượng nước trong không khí rất hạn chế nên việc thêm nhiều hạt sẽ tạo ra nhiều giọt nước hơn với kích thước nhỏ hơn.
Ông Wood nhấn mạnh: “Chúng tôi phát hiện, một lượng lớn hơn các giọt (nước) nhỏ hơn sẽ tạo ra diện tích bề mặt lớn hơn, đồng nghĩa với việc các đám mây hình thành sẽ phản xạ được nhiều ánh sáng hơn trở lại không gian”. Điều này sẽ mang đến hiệu ứng làm mát trên Trái đất.
Lý thuyết “marine cloud brightening” chỉ là một phần trong một khái niệm rộng lớn hơn có tên gọi “địa kỹ thuật”, bao hàm những nỗ lực sử dụng công nghệ để thao túng môi trường.
Cũng giống như các đề xuất về địa kỹ thuật khác, việc sản sinh mấy nhân tạo từ nước biển cũng gây tranh cãi về các khía cạnh đạo đức và chính trị cũng như sự không chắc chắn về tác động thực sự của nó.
Tuy nhiên, ông Wood bác bỏ những lo ngại là lí do không nên nghiên cứu ý tưởng này. Ông khẳng định, việc tiến hành thử nghiệm sẽ mở rộng kiến thức về việc các hạt như chất gây ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới khí hậu như thế nào, mặc dù mục đích chính vẫn là kiểm nghiệm ý tưởng chống biến đổi khí hậu bằng sản sinh mây nhân tạo từ nước biển.
Nếu thành công, kỹ thuật “marine cloud brightening” có thể là giải pháp chống biến đổi khí hậu tức thì và kinh tế nhất hiện nay.