11 thanh kiếm là binh khí của nghĩa quân Tây Sơn cùng đồ gốm, trang sức... được Đại đức Thích Quảng Dũng tặng cho Bảo tàng Quang Trung.
Các thanh kiếm thời Tây Sơn được trao tặng cho Bảo tàng Quang Trung, chiều 4/8. (Ảnh: Thạch Thảo)
Chiều 4/8, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định làm lễ tiếp nhận 65 hiện vật do Đại đức Thích Quảng Dũng, Trưởng ban Kiểm soát Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định - Trụ trì chùa Long Hoa (ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) sưu tầm.
Trong đó, có 11 kiếm loại dài, ngắn; được lấy từ căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và được xác định là binh khí của nghĩa quân; ngoài ra còn có chén, bát bằng gốm sứ; các loại trang sức, vòng đeo tay, khuyên tai, bình vôi, ngoáy trầu... cùng thời kỳ.
Các loại vòng từ thế kỷ 18 ở vùng Tây Sơn. (Ảnh: Thạch Thảo)
Theo Đại đức Thích Quảng Dũng, việc sưu tầm những hiện vật này vô cùng khó khăn. Năm 2018, ông đến vùng Tây Sơn Thượng đạo - nơi bắt nguồn của khởi nghĩa rồi bắt đầu sưu tập. Từ đó đến 2022, Đại đức đã tổ chức ba đợt tìm kiếm, sưu tầm để có được số cổ vật trên. Bảo tàng Quang Trung đã giám định các cổ vật đúng là hiện vật thời Tây Sơn.
Đại đức cho biết việc hiến các hiện vật cho bảo tàng còn nhằm mục đích để cho thế hệ con cháu sau này biết được những chiến công hiển hách của cha ông, đồng thời tạo tiền lệ cho các nhà sưu tập khác hiến tặng. Đây là lần thứ hai Đại đức Thích Quảng Dũng tặng cổ vật cho Bảo tàng Quang Trung.
Một chiếc bình thời Tây Sơn. (Ảnh: Thạch Thảo)
Khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu từ năm 1771 dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Từ căn cứ Tây Sơn, khởi nghĩa đã lan rộng từ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lập xưng hoàng đế, lập nên nhà Tây Sơn. Nhà Tây Sơn trị vị đất nước được 24 năm gồm ba vua: Thái Đức đế Nguyễn Nhạc (1778-1793), Thái Tổ Vũ Hoàng đế Nguyễn Huệ - Quang Trung (1788-1792) và Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1792-1802). |