Việc phát hiện hai ngôi mộ cổ có niên đại 27.000 năm chứa thi thể của những đứa trẻ sơ sinh khẳng định rằng trẻ nhỏ cũng chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội của những người thợ săn và người hái lượm thuộc thời kỳ đồ đá cũ.
Nhóm nghiên cứu do Christine Neugebauer-Maresch thuộc Viện Hàn lâm khoa học Vienna (Áo) dẫn đầu đã phát hiện hai ngôi mộ thời đồ đá cũ.
Trong ngôi mộ thứ nhất có hai đứa bé vài tháng tuổi được bao phủ đất son màu đỏ, một trong hai đứa bé có mang những hạt chuỗi nhỏ bằng ngà. Mộ của chúng được bảo vệ bởi một đoạn xương bả vai của voi mammoth tựa vào một mảnh ngà voi. Dựa theo kích thước xương đùi, các nhà nghiên cứu kết luận ra hai em bé này cùng tuổi và có thể sinh đôi. Ngôi mộ thứ hai chứa một đứa trẻ 3 tháng tuổi.
Mộ người lớn thuộc thời kỳ đồ đá cũ đã từng được phát hiện, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm thấy mộ của trẻ sơ sinh. Những nghi lễ trên chứng tỏ trẻ sơ sinh cũng được hoàn toàn xem như những thành viên trong cộng đồng.
(Ảnh: oeaw.ac.at)
T.Đ