Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo như hiện nay, thế giới phải xem xét việc áp dụng luật đối với các sinh vật tổng hợp này. Chuyên gia trong lĩnh vực AI, đạo đức và chính phủ đang tìm con đường tối ưu nhất để bước vào kỉ nguyên của những con robot có khả năng tự nhận thức.
Quyền của robot?
Robot và các hệ thống tự động đang biến đổi xã hội một cách sâu sắc. Xe hơi tự động đang tiến đến cấp độ 5 - cấp độ tự lái hoàn toàn mà không cần sự có mặt của lái xe. Các nhà máy cắt giảm chi phí bằng cách thay con người bằng robot. Thậm chí, nhiều AI còn có kỹ năng vượt trội hơn những nhân viên văn phòng trong các ngành nghề truyền thống.
Khi những hệ thống này phát triển, rất có thể chúng sẽ có những hành động phạm pháp, mà hiện tại lại chưa có quy định nào để xử lý những robot thông minh này. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu AI gây ra tai nạn, hoặc thậm chí phạm tội? Hay ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu AI là nạn nhân của một tội ác? Robot có được hưởng những quyền cơ bản như con người không?
Bà Kate Darling – nhà nghiên cứu và là chuyên gia về đạo đức robot, nói: “Nếu chúng ta muốn sử dụng pháp luật để điều chỉnh công nghệ robot, chúng ta cần thiết lập nhiều định nghĩa tốt hơn so với những thứ chúng ta đang sử dụng hiện nay. Ngay cả từ “robot” cũng là một định nghĩa khá tệ”.
Hiện tại là thời điểm thích hợp để thay đổi cách nhìn nhận của con người về robot vì AI đang vô cùng gần gũi với cuộc sống con người. Robot giao hàng tự động là một cảnh tượng phổ biến ở thủ đô Tallinn của Estonia. Chính phủ của đất nước này đang thiết lập các quy định về vấn đề sở hữu và phạm tội của robot.
Tuy nhiên, Estonia vẫn đang tìm cách để tạo ra hệ thống pháp lý linh hoạt liên quan đến robot, nhằm đáp ứng kịp với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ. Ông Marten Kaevats - cố vấn kỹ thuật số quốc gia cho văn phòng chính phủ Estonia, thừa nhận rằng chúng ta không thể tạo ra các quy định về một tương lai chưa xác định. Nhưng ông thấy cần thiết phải có bộ luật quy định trách nhiệm pháp lý của robot.
AI có quyền không? (Ảnh: Internet).
Ông Kaevats cũng cho biết rằng, hiện tại chúng ta không có lý do để vội vã trao cho robot những quyền như con người. Ngoài việc xem xét các khía cạnh đạo đức của việc đặt máy móc ngang hàng với con người, cũng cần phải tính đến rủi ro là những quyền này có thể bị lạm dụng như thế nào trước khi thiết lập nó.
Lạm dụng quyền của AI
Estonia không phải là nơi duy nhất tranh cãi về quyền của robot. Tạp chí Trí tuệ nhân tạo và Luật pháp (Artificial Intelligence and Law) gần đây đã xuất bản bài viết của Giáo sư Joanna J. Bryson thuộc trường Đại học Bath và hai luật sư Mihailis E. Diamantis và Thomas D. Grant. Bài báo tiết lộ rằng, Liên minh châu Âu cũng đang thảo luận khung pháp lý về việc áp dụng quyền đối với AI.
Các tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các nghĩa vụ cho của trí tuệ nhân tạo và quyền được bảo vệ của con người trước những sinh vật thông minh này.
Bà Bryson cảnh báo việc thiết lập các quyền của robot cũng tương tự như việc hợp pháp hóa "nhân cách" của các tập đoàn đã bị lạm dụng trong quá khứ.
“Các công ty được xem là những "con người" hợp pháp, nhưng sự hợp pháp không hiện hữu bằng xương bằng thịt. Chúng ta cũng sẽ làm điều tương tự nếu biến AI thành một con người hợp pháp. Chúng ta cần xem xét lại điều này, để không đi vào vết xe đổ đó. Nó không tạo ra bất kì lợi ích gì ngoài việc khiến mọi người ra sức lợi dụng những AI của họ”, bà Bryson lập luận.
Ông Kaevats cho rằng, đây không phải là vấn đề ở Estonia, bởi vì hệ thống thuế kỹ thuật số của nước này có thể chủ động theo dõi mọi hoạt động liên quan đến việc bắt robot làm việc quá sức. Tuy nhiên, sự lạm dụng chắc chắn sẽ tồn tại ở những khu vực không phát triển về công nghệ thu thuế.
Các công ty có thể tận dụng những kẻ hỡ của pháp luật để làm lợi cho mình càng nhiều càng tốt. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm nếu xem các AI như một lực lượng lao động vô tận để bóc lột và thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Và việc trao quyền cho robot có thể giúp chúng thoát khỏi những tình huống này.
“Nếu trong tương lai, chúng ta có thể tạo ra những AI có năng lực và nhận thức giống như một con người bình thường, chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc về việc áp dụng quyền cho chúng”, ông James Hughes - giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Đạo đức và Công nghệ mới, nói.
Việc tạo ra những công nghệ siêu đẳng này chắc chắn không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Nhưng nếu nó thành hiện thực các chính phủ sẽ có những động thái gì?
Ông Linda McDonald-Glenn – một nhà đạo đức sinh học, phát biểu: “Từ xưa đến nay, khi đứng trước luật pháp, tất cả mọi thứ được chia thành hai dạng: con người và tài sản. Nếu bạn bị xếp vào nhóm tài sản, bạn không có tí quyền nào cả. Và trong quá khứ, chúng ta đã từng mắc nhiều sai lầm khủng khiếp liên quan đến vấn đề này”.
Và nếu không nhanh chóng tìm giải pháp cho AI, chúng ta có thể tiếp tục phạm những sai lầm đó!