Một loại vaccine cúm gà làm từ virus H5N1 sống nhưng bị làm yếu, mở ra triển vọng về thế hệ vaccine mới có thể chống lại các chủng virus biến đổi từ dạng ban đầu có trong vaccine, các nhà khoa học Mỹ cho biết hôm thứ Hai.
Ngăn chặn dịch cúm trên gia cầm có ý nghĩa quyết định trong việc phòng chống dịch cúm gà trên người (Ảnh: TP) |
Các vaccine cúm gà đang được sản xuất hiện nay có nhược điểm là chỉ chống lại virus H5N1 không biến đổi so với chủng được dùng để sản xuất vaccine.
Nói cách khác, các vaccine dạng tiêm này chỉ giúp hệ miễn dịch trong cơ thể người học cách phát hiện và tiêu diệt loại virus H5N1 giống hoặc gần giống với chủng có trong vaccine.
Một khi virus H5N1 biến đổi, vaccine hiện thời hầu như không có tác dụng. Bởi vậy, chỉ đến khi đại dịch cúm xảy ra với sự xuất hiện của chủng virus mới, người ta mới có thể bắt tay vào sản xuất để vaccine theo phương pháp hiện thời phát huy tác dụng. Và thời gian cần cho sản xuất một lượng vừa đủ cho cả thế giới dùng cần không dưới sáu tháng.
Điều thú vị với sản phẩm mới là, vaccine sản xuất từ virus H5N1 có từ năm 1997 vẫn giúp chống lại được virus sinh ra năm 2004 với cấu trúc khác so với cấu trúc năm 1997.
TS John Treanor (chuyên gia về vaccine Đại học Rochester, New York, Mỹ nhận xét: “Sản phẩm mới này rất hứa hẹn, mở ra một giai đoạn mới chống đại dịch bằng vaccine sống”.
TS John Treanor |
Các nhà nghiên cứu (Học viện Dị ứng & Truyền nhiễm Quốc gia, Mỹ, Viện Y tế quốc gia Mỹ và MedImmune Inc., một Cty chuyên sản xuất virus sống) nhận thấy, chỉ cần một liều vaccine sống cũng đủ giúp con chuột không chết khi nó nhiễm virus H5N1; thậm chí, ngay cả khi nó không sản sinh kháng thể, dấu hiệu được xem là bằng chứng cho thấy hệ miễn dịch có phản ứng tự vệ.
Còn nếu tiêm hai liều, cả chuột và chồn đều thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi cho tiếp xúc với virus H5N1 và sản sinh ra kháng thể một cách rõ rệt.
Đợt thử nghiệm trên người đầu tiên đã được tiến hành từ hồi tháng 6/2006 ở Đại học Hopkins, Baltimore. Tuy nhiên, một nhà khoa học cho rằng, thử nghiệm đó chưa có ý nghĩa do cỡ mẫu còn nhỏ.
Nếu thành công trên người, hy vọng có thể sản xuất vaccine sớm trước khi xảy ra đại dịch. Không những thế, lượng virus nguyên liệu cần có sẽ ít hơn, tiêu hao trứng gà để sản xuất virus cũng ít hơn so với phương pháp sản xuất vaccine từ virus chết hay còn gọi là virus bất hoạt hiện nay.
Nhưng một khi đi vào sản xuất đại trà nếu được chứng minh có hiệu quả, các Cty vaccine có thể rơi vào tình trạng không đủ vaccine sống. Hiện trên thế giới chỉ có một doanh nghiệp của Mỹ (Cty MedImmune) và một của Nga chuyên sản xuất vaccine sống, công nghệ vô cùng phức tạp và nguy hiểm, gần giống như để bom trong nhà.
Theo tạp chí Kinh doanh Washington, chính quyền liên bang vừa cho phép Cty Gaithersburg thử nghiệm trên 300 người tình nguyện về sản phẩm mới, vaccine phòng chống cúm gà dùng dưới dạng miếng dán lên da thay vì phải tiêm như lâu nay. |
QD