Triệu chứng nhiễm HIV qua từng giai đoạn

Bệnh nhân nhiễm HIV sẽ trải qua các triệu chứng giống cúm. Sau đó, cơ thể họ trở về bình thường nhưng đây là lúc virus âm thầm phát triển, hạ gục hệ thống miễn dịch.

Việc nghiên cứu và đẩy lùi HIV/AIDS trong vài thập kỷ trở lại đây đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, đây vẫn là gánh nặng của các quốc gia, số người khỏi hẳn bệnh không phụ thuộc thuốc cũng không nhiều.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm virus HIV khi tiếp xúc một số loại dịch cơ thể mang trùng như máu, tinh dịch, dịch tiền tinh hoàn, dịch âm đạo, dịch trực tràng và sữa mẹ. Rủi ro lớn nhất gây nhiễm HIV là quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh.

Cách duy nhất để biết chắc chắn một người có bị nhiễm HIV hay không đó là xét nghiệm. Bởi nhiều người sau khi nhiễm virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc dễ bị nhầm sang các bệnh lý khác. Kết quả, khi phát hiện bệnh đã muộn, lây nhiễm cho nhiều F1, F2.

Theo WebMd, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ trải qua 3 giai đoạn. Triệu chứng của từng giai đoạn cũng không giống nhau. Chúng ta phát hiện càng sớm, khả năng kiểm soát bệnh càng cao. Bởi nếu rơi vào giai đoạn cuối (AIDS), hệ miễn dịch của bệnh nhân bị phá hủy, không thể chống chọi virus, vi khuẩn.


Cách duy nhất để xác định một người có nhiễm HIV hay không là xét nghiệm máu. (Ảnh: Getty Images).

Giai đoạn đầu - nhiễm HIV cấp tính

Hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV không biết mình bị virus tấn công. Các triệu chứng cấp tính ở giai đoạn đầu có thể xuất hiện trong vòng 2-6 tuần sau khi tiếp xúc nguồn lây. Đây là lúc hệ miễn dịch đang tích cực chiến đấu với loại virus cứng đầu và nguy hiểm. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng retrovirus cấp tính hoặc nhiễm HIV nguyên phát.

Trong 2-6 tuần sau phơi nhiễm, hầu hết người bệnh (80-90%) có các triệu chứng tương tự cúm hoặc bệnh bạch cầu đơn nhân. Chúng kéo dài trung bình 28 ngày, ngắn nhất thường là một tuần. Sau đó, nó biến mất nên nhiều người thường bỏ qua hoặc cho rằng đó là cảm cúm thông thường.

Theo tài liệu của Bộ Y tế, triệu chứng của giai đoạn này gồm sốt, nổi hạch, viêm họng, phát ban, đau cơ, khó chịu. Triệu chứng ít gặp hơn là nhức đầu, buồn nôn và nôn, có phản ứng gan to, lá lách to. Tùy từng trường hợp, tình trạng trên có thể xuất hiện chỉ một hoặc nhiều hay cũng có trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Nếu bạn có các triệu chứng trên và từng tiếp xúc người nhiễm HIV trong vòng 2-6 tuần, hãy đi khám và xét nghiệm HIV để kịp thời phát hiện. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo ngay cả khi không tiếp xúc nguồn lây nhưng có nghi ngờ với các triệu chứng bất thường, người dân cũng nên làm xét nghiệm để chủ động phòng ngừa hoặc điều trị.

Thử nghiệm và phát hiện sớm HIV được xem là rất quan trọng vì hai lý do. Đầu tiên, ở giai đoạn này, tải lượng virus HIV trong máu và dịch cơ thể rất cao. Nó khiến virus đặc biệt dễ lây lan. Thứ hai, càng điều trị sớm, cơ hội giúp người mắc tăng cường hệ miễn dịch, giảm bớt các triệu chứng, khả năng ức chế bệnh càng cao,


Ở giai đoạn đầu nhiễm HIV, bệnh nhân gặp phải các triệu chứng tương tự cúm. (Ảnh minh họa: Freepik).

Giai đoạn 2 - nhiễm trùng không triệu chứng

Giai đoạn một trôi qua, hầu hết người nhiễm HIV sẽ trở lại bình thường, cảm thấy khỏe hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa virus biến mất. Sự bảo vệ mạnh mẽ của hệ miễn dịch trên mỗi cá thể sẽ làm giảm số lượng các hạt virus trong máu và chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng. Các bác sĩ còn gọi đây là giai đoạn nhiễm HIV mạn tính hay tiềm ẩn.

Có thể mất 10-15 năm, các triệu chứng khác mới xuất hiện. Trong thời gian này, nếu virus không được điều trị, nó vẫn hoạt động và lây nhiễm sang các tế bào mới trong cơ thể.

Trong cơ thể, các tế bào T-CD4 có nhiệm vụ điều phối phản ứng của hệ miễn dịch. Suốt giai đoạn này, HIV hoạt động trong hạch bạch huyết, làm cho chúng sưng to, do phản ứng với một lượng lớn vius kẹt trong mạng lưới tế bào hình sao. Các mô giàu tế bào T-CD4 cũng có thể bị nhiễm bệnh. Các hạt virus tồn tại trong các tế bào bị nhiễm và ở dạng tự do trong dịch cơ thể.

Ở giai đoạn nhiễm HIV mãn tính, virus giết chết các tế bào CD4 và phá hủy hệ thống miễn dịch - lớp khiên bảo vệ duy nhất. Số lượng tế bào CD4 có thể kiểm tra bằng xét nghiệm máu. Nếu không được điều trị, lượng tế bào CD4 sẽ giảm xuống. Khi đó, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Bước vào giai đoạn không triệu chứng, bệnh nhân tiếp tục có nguy cơ lây lan bệnh. Các tế bào CD4 mang tải lượng virus nhiều nhất. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV có thể cải thiện đáng kể thời gian sống của bệnh nhân.


Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa có cách điều trị tận gốc mà phải sống phụ thuộc thuốc. (Ảnh: Getty Images).

Giai đoạn 3 - nhiễm trùng có triệu chứng và AIDS

Khi số lượng tế bào T CD4 giảm xuống mức dưới 200 tế bào/1 mm3 máu, quá trình miễn dịch bị vô hiệu hóa và xuất hiện các nhiễm trùng do vi sinh vật cơ hội gây ra. Giai đoạn này còn được gọi là AIDS - hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải.

Các triệu chứng đầu tiên là giảm cân không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm họng, viêm tuyến tiền liệt, phát ban trên da và loét miệng.

Đặc trưng dễ nhận thấy nhất ở bệnh nhân AIDS đó là luôn cảm thấy mệt mỏi; sưng hạch bạch huyết ở cổ, bẹn; sốt kéo dài trên 10 ngày; đổ mồ hôi đêm; hụt hơi; tiêu chảy kéo dài; vết bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân; loét âm đạo, cổ họng…

Bệnh nhân có thể gặp một số bệnh nhiễm trùng cơ hội như sarcoma Kaposi (một dạng ung thư da); nhiễm nấm Cadida species gây nấm miệng hoặc nhiễm vi khuẩn hiếu khí Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Sau đó, các virus Herpes tiềm ẩn sẽ được kích hoạt gây tái phát ngày càng nặng những tổn thương do Herpes simplex, bệnh zona thần kinh, ung thư hạch bạch huyết do virus Epstein-Barr hoặc ung thư Kaposis sarcoma.

Viêm phổi do nấm Pneumocystis jirovecii cũng phổ biến và thường gây tử vong. Những người bị AIDS không dùng thuốc thường chỉ sống khoảng 3 năm hoặc ít hơn nếu họ bị nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn có thể điều trị. Do đó, yếu tố quan trọng nhất đó là sử dụng thuốc như phác đồ mà bác sĩ đưa ra.

Đến nay, bệnh nhân nhiễm HIV vẫn phải sống chung với thuốc và virus cả đời. Để phòng ngừa lây nhiễm căn bệnh này, chúng ta nên duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn và không tiêm chích ma túy.

Cập nhật: 08/03/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video