Kế hoạch được công bố đầu tháng 12 với chương trình thử nghiệm biến đổi thời tiết trên khu vực rộng hơn 5,5 triệu km2, lớn gấp 1,5 lần tổng diện tích Ấn Độ.
Theo báo cáo từ Quốc vụ viện, Trung Quốc sẽ có một hệ thống biến đổi thời tiết phát triển vào năm 2025, nhờ những đột phá trong nghiên cứu cơ bản và công nghệ chủ chốt, cũng như cải tiến trong ngăn chặn toàn diện những nguy cơ đe dọa an toàn. Trong 5 năm tới, tổng khu vực làm mưa hoặc tuyết nhân tạo sẽ lên tới 5,5 triệu km2, trong đó 580.000km2 sẽ áp dụng công nghệ hạn chế mưa đá. Theo báo cáo, chương trình sẽ giúp giảm nhẹ thiên tai, sản xuất nông nghiệp, ứng phó khẩn cấp với cháy rừng, đối phó nhiệt độ cao bất thường hoặc hạn hán.
Một công nhân chuẩn bị bắn pháo gây mưa nhân tạo ở Hoàng Bì, Vũ Hán vào ngày 10/5/2011. (Ảnh: AFP).
Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát thời tiết để bảo vệ các khu vực trang trại và đảm bảo trời quang đãng cho những sự kiện quan trọng. Quốc gia này từng làm mưa nhân tạo trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 để giảm khói mù và tránh mưa rơi trước cuộc thi đấu. Khái niệm gây mưa nhân tạo đã tồn tại nhiều thập kỷ. Công nghệ này được tiến hành bằng cách phun một lượng nhỏ iod bạc vào những đám mây với lượng lớn hơi ẩm. Hơi ẩm sẽ ngưng tụ xung quanh hạt mới, khiến chúng trở nên nặng hơn và rơi dưới dạng mưa.
Theo nghiên cứu công bố đầu năm nay của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, gây mưa nhân tạo có thể tăng lượng tuyết rơi trên diện tích rộng nếu điều kiện khí quyển thuận lợi. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên khẳng định rõ hiệu quả của gây mưa nhân tạo, bởi trước đây rất khó phân biệt mưa tạo bởi công nghệ này và mưa tự nhiên.
Từ năm 2012 đến 2017, Trung Quốc đã chi hơn 1,34 tỷ USD vào nhiều chương trình biến đổi thời tiết. Theo Xinhua, năm ngoái, biến đổi thời tiết giúp giảm 70% thiệt hại do mưa đá ở vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc. Dù các nước khác như Mỹ cũng đầu tư vào gây mưa nhân tạo, việc Trung Quốc phát triển công nghệ này dấy lên một số lo ngại, đặc biệt ở nước láng giềng Ấn Độ, nơi nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào mùa mưa.
Dù trọng tâm cơ bản của chương trình biến đổi thời tiết ở Trung Quốc là trong nước, giới chuyên gia cảnh báo tác động từ chương trình có khả năng vượt ngoài biên giới quốc gia. Một số chuyên gia suy đoán Trung Quốc có thể tiến hành các dự án biến đổi địa cầu tham vọng hơn, đặc biệt khi quốc gia này đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những biện pháp như đưa vào khí quyển hạt phản xạ có thể giúp giảm nhiệt độ về mặt lý thuyết, nhưng cũng đi kèm nhiều hệ quả không thể dự đoán trước.