Tân Hoa Xã ngày 13/5 dẫn nguồn tin từ Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc (MEP) cho biết Tập đoàn Đầu tư điện lực Trung Quốc (CPI) đã thành lập "Trung tâm Hỗ trợ ứng cứu sự cố điện hạt nhân" đầu tiên ở nước này.
Trung tâm ứng cứu sự cố điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc
Trung tâm nàu được đặt tại Cơ sở Huấn luyện kỹ thuật điện hạt nhân Yên Thái, tỉnh Sơn Đông.
Hai tập đoàn điện hạt nhân hàng đầu khác của Trung Quốc là Tập đoàn Điện hạt nhân Quảng Đông (CGN) và Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc (CNNC) cũng lần lượt thành lập "Đội Hỗ trợ ứng cứu sự cố" tại nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á (Thâm Quyến, Quảng Đông) và Tần Sơn (Chiết Giang).
Do đặc điểm phân bố địa lý của các nhà máy điện hạt nhân thuộc CPI, CGN và CNNC nên 3 đơn vị ứng cứu sự cố điện hạt nhân nói trên được trải đều trên 3 vùng địa lý của Trung Quốc là Hoa Đông, Hoa Nam và Hoa Tây, tạo thế chân kiềng để có thể hỗ trợ nhau trong những tình huống khẩn cấp.
Thứ trưởng MEP kiêm Cục trưởng Cục An toàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc Lý Can Kiệt nhấn mạnh: "Trong thời kỳ quy hoạch 5 năm lần thứ 13, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng mới, cả trong thiết kế và triển khai thực tế, cần phải loại bỏ khả năng phát thải các loại vật chất có tính phóng xạ cao."
"Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế an toàn tiên tiến trên thế giới, các tập đoàn điện hạt nhân của Trung Quốc cũng cần phải thành lập lực lượng hỗ trợ ứng cứu sự cố điện hạt nhân," ông Lý Can Kiệt nói thêm.
Theo ông Lý Can Kiệt, Trung Quốc hiện có 23 nhà máy điện hạt nhân và đang xây dựng thêm 27 nhà máy điện hạt nhân khác, với quy mô hàng đầu thế giới.
Sự phát triển hết sức mạnh mẽ và tầm bao phủ rộng lớn của lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã và đang đặt ra áp lực rất lớn đối với công tác giám sát an toàn, phòng ngừa sự cố hạt nhân của nước này./.