Trung Quốc đã chính thức khởi động chương trình trạm vũ trụ có người điều khiển, với mục tiêu tới năm 2020 sẽ hoàn tất dự án xây dựng một phòng thí nghiệm có người điều khiển "tương đối lớn" trên vũ trụ.
>>> 2011: Trung Quốc phóng module đầu tiên của trạm vũ trụ
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Một phát ngôn viên của chương trình trên ngày 27/10 cho biết Trung Quốc có kế hoạch phát triển và đưa bộ phận đầu tiên của phòng thí nghiệm vũ trụ lên quỹ đạo trước năm 2016, tập trung tạo các bước đột phá về điều kiện sống cho phi hành gia và điều kiện hoạt động của các thiết bị nghiên cứu.
Trung Quốc cũng sẽ phát triển và đưa một khoang trung tâm cùng module phòng thí nghiệm thứ hai lên quỹ đạo vào khoảng năm 2020. Số thiết bị này sẽ lắp ráp với nhau trong quỹ đạo Trái Đất thành một trạm vũ trụ có người điều khiển.
Trước đó, vào năm 2011, Trung Quốc sẽ phóng lên quỹ đạo hai module không gian không người lái là Thiên Cung-1 (Tiangong-1) và Thần Châu-8 (Shenzhou-8), để đặt nền móng cho trạm vũ trụ đầu tiên của nước này.
Việc phóng hai module trên được coi là khâu quyết định để tiến tới việc lập một trạm không gian. Thiên Cung-1, cuối cùng sẽ được chuyển đổi thành một phòng thí nghiệm không gian có người điều khiển sau khi ghép Thần Châu-8, Thần Châu-9 và tàu vũ trụ Thần Châu-10, trong số này Thần Châu-9 và Thần Châu-10 sẽ mang theo 2 hoặc 3 phi hành gia trên mỗi tàu.
Quan chức Trung Quốc trên cho biết trong quá trình thực hiện dự án này, các chuyên gia sẽ áp dụng những thành công của các dự án trước và tiếp tục sử dụng tàu vũ trụ Thần Châu cũng như tên lửa đẩy Trường Chinh F (Long March F).