Trung Quốc đang chuẩn bị phóng tên lửa mang robot có khả năng thu thập thêm nhiều mẫu đất đá trên Mặt trăng, sau hàng thập niên bỏ ngỏ.
Theo South China Morning Post (SCMP) hôm 17/11, Trung Quốc đang chuẩn bị phóng tên lửa mang vệ tinh lên Mặt trăng vào tuần tới, sau hàng thập niên bỏ ngỏ.
Ngày 17-11, tên lửa mang tên Long March-5 đã được di chuyển từ nhà chứa máy bay đến bệ phóng tại căn cứ không gian ở Wenchang, phía đông đảo Hải Nam.
Theo dự kiến, tên lửa Long March-5 mang theo robot Chang’e-5 sẽ đổ bộ lên Mặt trăng vào đầu tuần tới. Sau đó, vệ tinh sẽ đào sâu xuống dưới mặt đất hai mét và xúc các mẫu đất đá để đưa về Trái đất.
Nếu nhiệm vụ thành công, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu những mẫu vật hoàn toàn mới, lần đầu tiên sau khi Mỹ và Nga thực hiện từ những năm 1960, 1970, theo SCMP.
Hình dạng tên lửa Long March-5. (Ảnh: SCMP)
Tên lửa "Long March-5" có biệt danh là “Fat 5” vì hình dạng cồng kềnh, và đã thất bại nhiều lần trong những lượt phóng thử trước đó. Nhưng Trung Quốc vẫn kiên trì tiếp tục nhờ vào nguồn tài năng kỹ thuật và vốn tài chính khổng lồ đổ vào nó, theo SCMP.
Chương trình khám phá Mặt trăng bằng robot ''Chang'e 5'' được đặt tên từ một vị thần tiên quen thuộc với người Trung Quốc và Việt Nam, chính là Hằng nga.
Đây là một trong những chương trình chinh phục vũ trụ tham vọng nhất của Trung Quốc, kể từ sau khi trở thành quốc gia thứ ba đưa thành công người lên vũ trụ vào năm 2003, sau Mỹ và Nga.
Trung Quốc vừa tranh thủ hợp tác với các nước khác để khám phá vũ trụ, vừa cạnh tranh với nhiều nước như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ để tạo thêm nhiều thành tựu trong cuộc chạy đua chinh phục không gian.