Các chuyên gia phân tích cho rằng, với khả năng nắm bắt công nghệ nhanh nhạy và tốc độ đầu tư vào lĩnh vực hàng không vũ trụ tăng vọt trong vài năm qua của Trung Quốc thì chẳng mấy chốc nước này sẽ vượt qua “người thầy” Nga.
Theo số liệu công khai năm 2011, Trung Quốc đạt kim gạch xuất khẩu 3 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao, bao gồm cả công nghệ hàng không vũ trụ. Trong khi đó Nga chỉ có 1,1 tỷ USD.
Phi hành đoàn Nga chuẩn bị bay trên tàu vũ trụ Soyuz
Cùng với tăng cường xuất khẩu hàng công nghệ cao, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, Trung Quốc chiếm 14,2% tổng kinh phí đầu tư cho tất cả các nghiên cứu và tài trợ phát triển trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 31,1% và các nước Châu Âu chiếm 24,1% nhưng vượt hẳn Nga với con số chỉ là 1,9%.
Chính sách đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu đang dần đưa Trung Quốc từ vị thế một “dây chuyền lắp ráp” trở thành một tiền đồn phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu. Điều này khiến một số nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, đang “lo lắng” về những cuộc di cư ngày càng tăng của các nhà khoa học tới Trung Quốc.
Hơn nữa trong suốt những năm gần đây, từ năm 2007-2012, số lượng vệ tinh được phóng lên quỹ đạo Trái Đất trong những năm gần đây của Trung Quốc liên tiếp đứng hàng đầu thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc có 8 vệ tinh viễn thám được phóng trong tổng số 24 vệ tinh thuộc 13 tổ chức và quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong khi đó, Nga chỉ “vỏn vẹn” có 3 vệ tinh.
Sơ đồ trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc
Không chỉ nhiều về số lượng, công nghệ tiên tiến trong thiết kế tàu vũ trụ có người lái cũng là điểm Trung Quốc đang tỏ ra “không thua kém” Nga. Điển hình như tàu vũ trụ Thần Châu, tuy dựa trên tàu Soyuz của Liên Xô, song lại được cải tiến một cách cơ bản đến mức người Trung Quốc có thể “tự hào” có tàu vũ trụ có người lái của riêng mình.
Đặc biệt, Thần Châu còn có thể tự dỡ bỏ một mô-đun trong quỹ đạo khi có một phi hành gia rời trạm trở về Trái đất, trong khi các phi hành gia khác vẫn còn trong không gian làm việc trong các mô-đun khác như một phòng thí nghiệm tự động. Sự khác biệt đáng chú ý của Thần Châu so với các tàu vũ trụ Nga nằm ở chỗ nó có tỷ lệ công suất lớn hơn nhiều so với tỷ lệ trọng lượng.
Cho đến nay, các chương trình không gian của Trung Quốc có chất lượng tương đương với Nga. Tuy số lượng còn thua kém nhưng với tham vọng trở thành nước đứng đầu trên thế giới trong lĩnh vực không gian cùng với chính sách khoa học-công nghệ hiện tại sẽ sớm giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách và chẳng mấy chốc sẽ “vượt mặt người thầy” Nga.