Khát vọng "chạm tới" vùng xa xôi nhất của Hệ Mặt trời được thực hiện nhân dịp 100 năm thành lập đất nước để chứng minh vị thế cường quốc không gian.
Trong một tuyên bố gần đây trên tờ China Space News, Trung Quốc cho biết sẽ gửi một con tàu vũ trụ tới vùng không gian cách xa 100 đơn vị thiên văn, tương đương 100 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời hay 15 tỷ km.
Mô phỏng Hệ Mặt trời. (Ảnh: CFP).
Nhiệm vụ chính của con tàu là thực hiện các hoạt động khám phá và thí nghiệm khoa học ở phần rìa của Hệ Mặt trời. Nó sẽ tập trung nghiên cứu các hiện tượng như "tia vũ trụ dị thường" và "bức tường hydro" ở ranh giới giữa hệ hành tinh và không gian liên sao.
Các nhà thiên văn học Trung Quốc đang đánh giá tính khả thi của dự án và tin rằng nó có thể được triển khai vào năm 2049, nhân nhân dịp 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc có tiềm lực để đạt được mục tiêu này", nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm mặt trăng Wu Weiren nhấn mạnh. Nếu thành công, nó không chỉ khẳng định vị thế cường quốc không gian của Trung Quốc mà còn đóng góp những khám phá mới cho nhân loại.
Đến nay, mới chỉ có hai thiết bị do con người chế tạo chạm tới phần rìa của Hệ Mặt trời, đó là bộ đôi tàu Voyager 1 và 2 của NASA. Chúng hiện đã bay ra ngoài hệ thống và cách Trái đất lần lượt 22,7 và 18,9 tỷ km.