NASA vô tình ghi hình được sự sống ngoài hành tinh?

  •  
  • 6.113

Một nhóm khoa học gia từ Mỹ và Trung Quốc đưa ra bằng chứng cho thấy sự sống ngoài hành tinh đã lọt vào những bức ảnh của NASA nhưng bị cơ quan này bỏ sót.

Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu nói trên gồm 3 nhà khoa học là tiến sĩ Rudolph Schild từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), tiến sĩ Xinli Wei từ Học viện Khoa học Trung Quốc và tiến sĩ Rhawn Gabriel Joseph, nhà tâm lý học thần kinh - sinh học thiên văn hoạt động tự do, tác giả của nhiều đầu sách về sự sống ngoài hành tinh.

2 bức ảnh chụp cách nhau 2 ngày cho thấy vật thể giống nấm như đã mọc thêm.
2 bức ảnh chụp cách nhau 2 ngày cho thấy vật thể giống nấm như đã mọc thêm. NASA cho rằng đó là đá chuyển dịch do băng tan, nhóm nghiên cứu khẳng định là bằng chứng của sự sống ngoài hành tinh - (Ảnh: NASA)

Họ cho biết đã nghiên cứu hàng loạt hình ảnh chụp bởi robot dạng xe tự hành Curiosity và tàu quỹ đạo HiRISE của NASA và tin rằng những thứ NASA gọi là đá thực chất là các mẫu vật giống nấm.

So sánh các bức ảnh, họ chỉ ra dấu hiệu cho thấy những "cây nấm" này biến đổi về kích thước, xuất hiện và biến mất theo thời gian hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.

Hình ảnh chụp một bộ phận trên xe tự hành Curiosity của NASA
Hình ảnh chụp một bộ phận trên xe tự hành Curiosity của NASA được nhóm nghiên cứu cho là bằng chứng về việc nấm mọc trên thiết bị này - (Ảnh: NASA).

Những hình ảnh chụp bởi tàu quỹ đạo thì được cho rằng đã ghi lại hình ảnh của hàng ngàn chiếc nấm với thân mỏng và mũ nấm hình cầu, tụ lại với nhau thành đám, nhô ra ngoài từ đỉnh và các mặt của đá. Nhóm khoa học gia này khẳng định nước từ băng tan ở Bắc Cực sao Hỏa chính là nguồn nuôi dưỡng các thực vật đơn giản này.

Ngoài ra, họ cũng cho rằng các vệt tối trong hình ảnh Curiosity chụp được trên bề mặt sao Hỏa là bằng chứng của nấm đen, nấm mốc, địa y, tảo và các loài khử lưu huỳnh khác, giống như thực vật bậc thấp của Trái đất.

Một cánh đồng đầy những vật thể hình cầu màu xanh lục ngả đen
Một cánh đồng đầy những vật thể hình cầu màu xanh lục ngả đen mà nhóm nghiên cứu cho là nấm mang màu xanh của diệp lục, NASA cho là đá - (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên NASA lại khẳng định những đặc điểm dị thường kia là đá, cát… và các dị thường là kết quả của sự tan chảy băng carbon dioxide theo mùa. Các tác giả nghiên cứu mới này phản bác rằng băng carbon dioxide đông lạnh phải mang màu trắng, bán trong suốt, không thể mang màu đen.

"Nấm, địa y, nấm mốc, tảo và các dạng sống giả định khác trên sao Hỏa phát triển và thích nghi với nhiệt độ thấp, sự không liên tục của nước, lượng oxy thấp và mức độ bức xạ cao" – các tác giả giải thích trong bài báo đã được phê duyệt và công bố dưới dạng bản in, sắp được đăng tải chính thức trên tạp chí khoa học Advances in Microbiology.

Cập nhật: 07/05/2021 Theo NLĐ
  • 6.113