Các nhà khảo cổ Trung Quốc và Mỹ vừa tìm thấy khoảng 60 quần thể hóa thạch dấu chân khủng long phân bố tại ít nhất bốn điểm hóa thạch ở khu vực núi Mã Lăng - nơi giao nhau giữa tỉnh Sơn Đông và tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.
Quần thể dấu chân khủng long này thuộc hai loài khủng long sauropod và khủng long theropod.
Bộ xương của loài khủng long sauropod.
Theo các nhà khoa học, việc tìm thấy nhiều quần thể hóa thạch dấu chân khủng long trong một phạm vi hẹp là sự kiện rất hiếm thấy trên thế giới.
Kết quả phân tích hóa thạch dấu chân khủng long cho thấy, vào thời kỳ Kỷ Phấn Trắng, khu vực núi Mã Lăng có khí hậu ẩm ướt, thảm thực vật rất phát triển, khủng long sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Rất nhiều khủng long đã để lại dấu chân tại các vùng đầm lầy bên cạnh các con sông. Cùng với thời gian, các dấu chân khủng long sẽ khô lại và bị vùi trong đất cát, trải qua sự biến đổi địa chất hàng nghìn năm, cuối cùng biến thành các hóa thạch dấu chân.
Việc tìm thấy số lượng lớn quần thể hóa thạch dấu chân khủng long tại khu vực núi Mã Lăng trên một mức độ nhất định đã bổ sung sự thiếu hụt hóa thạch dấu chân khủng long tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc tìm thấy này có ý nghĩa quan trọng giúp giới khảo cổ học nghiên cứu thời kỳ Kỷ Phấn Trắng tại khu vực núi Mã Lăng.
Hiện tại, các nhà khảo cổ học đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về quần thể hóa thạch dấu chân khủng long mới được tìm thấy này.