Nhiều nghiên cứu chỉ ra trúng xổ số không hạnh phúc bằng trò chuyện với một người bạn, xem tivi hay được khen ngợi.
Vào năm 1978, ba nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern và Đại học Massachusetts cố gắng tìm câu trả lời về điều này bằng cách điều tra hai nhóm người rất khác nhau về hạnh phúc trong cuộc sống: những người chiến thắng giải xổ số Illinois State gần đây - có giải thưởng dao động từ 50.000 - 1.000.000 USD và các nạn nhân của một vụ tai nạn thảm khốc, những người hiện bị liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Trong quá trình nghiên cứu, hai nhóm được yêu cầu đánh giá độ lớn của niềm vui mà họ nhận được từ các hoạt động hàng ngày: những điều nhỏ nhưng thú vị như trò chuyện bạn bè, xem tivi, ăn sáng, cười đùa, hoặc nhận được một lời khen. Khi phân tích kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thấy rằng các nạn nhân bị tai nạn đạt được hạnh phúc nhiều hơn từ những thú vui hàng ngày so với những người chiến thắng xổ số.
Kết quả nghiên cứu thực sự đem lại sự ngạc nhiên đến sửng sốt vì cái kết quả đi ngược lại với những gì chúng ta thường nghĩ. Nhưng bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu xem xét chi tiết báo cáo kết quả nghiên cứu: tính trung bình, chỉ số xếp hạng hạnh phúc từ những thú vui đời thường của nhóm những người trúng xổ số là 3,33 trên 5, trong khi nhóm các nạn nhân bị tai nạn đạt đến 3,48.
Ở một khía cạnh khác, những người trúng xổ số thể hiện niềm hạnh phúc nhiều hơn các nạn nhân bị tai nạn, nhưng những ghi chép của các nhà nghiên cứu cho thấy "chỉ số thể hiện niềm hạnh phúc vẫn chiếm hơn một nửa số nạn nhân bị tai nạn và phần lớn những người này không hề mang tâm trạng hoàn toàn suy sụp như những gì người ta thường nghĩ".
Dennis Taimanglo, 38 tuổi, và vợ nhận một triệu USD tiền thưởng ở công ty xổ số bang Georgia. Tấm vé của anh có 5 con số đầu trùng khớp với dãy số may mắn. 15 người khác ở Mỹ cũng trúng một triệu USD. (Ảnh: Wsbtv).
Con người vốn là một cỗ máy hưởng thụ, rất dễ thích nghi với môi trường hưởng lạc và luôn có xu hướng trở nên quen thuộc với những điều đã từng đem đến hạnh phúc.
Một báo cáo từ những năm 1970 đã phân tích: "Niềm vui sướng rộn ràng khi trúng thưởng giải xổ số lớn cuối cùng rồi cũng sẽ tiêu tan. Những điều vô cùng có ý nghĩa với người chiến thắng trong quá khứ sẽ sớm trở nên mất dần ý nghĩa trong hiện tại và thành vô nghĩa trong tương lai khi người ta cứ mải mê tìm kiếm những giá trị mới có ý nghĩa tích cực với cuộc sống hiện nay. Vì vậy, khi người trúng số trở nên quen với những thú vui bổ sung có thể được thực hiện bởi sự giàu có mới của họ, những thú vui có ít trải nghiệm căng thẳng và không còn đóng góp quá nhiều vào mức độ chung của họ về hạnh phúc".
Điều này có nghĩa là những thứ mới mẻ, thú vị, sáng sủa vừa đến với cuộc đời bạn – như công việc tốt, quần áo đẹp, hay người bạn đời – làm bạn vui vẻ hồ hởi cho đến khi bạn thực sự phát ngấy với những điều tốt đẹp đổ về hàng ngày.
Tương tự như vậy, một số nhà tâm lý học đã đưa ra giả thuyết rằng con người có điểm giới hạn hạnh phúc, một mức độ cơ bản của hạnh phúc được lập trình sẵn bởi di truyền và tiếp tục định hình bởi môi trường cuộc sống. Giả thuyết này cho rằng những cảm xúc đến sau niềm hạnh phúc tột cùng của sự may mắn hay sự huỷ diệt thảm khốc của tai ương, về cơ bản vốn cũng bình thường như những cảm xúc khác đã từng đến với bạn.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất nghiên cứu này đã chỉ ra là sự tệ hại mà con người cảm thấy mặc dù họ được dự đoán là có nhiều hạnh phúc, điều mà các nhà tâm lý học gọi là dự báo mức độ xúc động. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến tiền bạc, mặc dù nếu quãng đường đi làm ngắn hơn sẽ làm cho bạn tăng 40% hạnh phúc, nhận được một kỳ nghỉ miễn phí từ ông chủ sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn nhận tiền mặt, và có nhiều thời gian rỗi sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn có nhiều tiền, nhưng người ta lại thường nghĩ rằng tiền bạc mới là câu trả lời cho mọi vấn đề.
Đâu đó trong bản dự báo có thể có một số sai sót, phần nào liên quan đến những thủ thuật tinh thần tương đối mới, do bộ não của chúng ta không có thời gian để hoàn thiện.
"Con người thời hiện đại cho rằng khả năng tưởng tượng ra tương lai là thuộc tính đã được định sẵn, nhưng hoá ra loài người mới đạt được khả năng này khoảng hơn ba triệu năm", Dan Gilbert, nhà tâm lý học của đại học Harvard và là tác giả cuốn sách "Loạng choạng trên Hạnh phúc" (Stumbling on Happiness), cho biết.
Các phần bộ não cho phép chúng ta suy nghĩ về tương lai là một trong những phát minh mới nhất của tự nhiên, do đó, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta mắc những lỗi lầm sơ đẳng vì cố gắng sử dụng khả năng mới này để tưởng tượng tương lai của mình.
Mọi nghiên cứu nói trên đều mang đến những điều mới mẻ và thú vị nhưng có cả tỷ lý do để thấy rằng chưa chắc đã đúng trong thực tiễn.