Truy tìm hung thần vũ trụ

Tin tốt là Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm được vật thể gần trái đất thứ 10.000, và tin xấu là phải còn ít nhất 100.000 ứng viên chưa được xác định ngoài kia.

Vật thể cận trái đất (NEO) được định nghĩa là các tiểu hành tinh và sao chổi lọt vào khoảng cách 45 triệu km so với trái đất trong lúc chu du trên quỹ đạo quanh mặt trời. Phần lớn đá vũ trụ và các khối băng này đều vô hại, chúng chỉ bay đến gần và duy trì quỹ đạo cố định. NEO cũng đồng thời có nhiều kích cỡ, từ bán kính vài mét đến những con quái vật thực sự như 1036 Ganymed, cỡ 41km. Và nay, NASA đã phát hiện được NEO thứ 10.000, một tiểu hành tinh bề ngang 300m, được đặt tên là 2013 MZ5.

Giám đốc chương trình Quan sát các vật thể cận trái đất (NEOO), bà Lindley Johnson, cho hay việc xác định được NEO thứ 10.000 thật sự là một cột mốc đáng kể. Tuy nhiên, đừng quên rằng phải có ít nhất 10 lần số đó đang hiện diện ngoài kia, trước khi con người có thể tự trấn an rằng đã nhận dạng được mọi “hung thần” có khả năng hủy diệt địa cầu, hoặc ít nhất là gây hại cho công dân trên trái đất. Tiểu hành tinh mới nhất được tìm thấy nhờ viễn vọng kính Pan-STARRS-1 trên đảo Maui thuộc tiểu bang Hawaii, là một phần của chiến dịch khảo sát bầu trời PanSTARRS do Đại học Hawaii phụ trách. 2013 MZ5 cũng không thuộc dạng nguy hiểm và các chuyên gia loại bỏ khả năng nó có thể đe dọa chúng ta trong tương lai.


Trái đất luôn đối mặt với những nguy hiểm khó lường từ vũ trụ - (Ảnh: Shutterstock)

Sự lộ diện của 2013 MZ5 là phát hiện mới nhất trong chuỗi sứ mệnh tìm kiếm NEO, hầu hết do NASA thực hiện trong suốt 15 năm qua. “NEO đầu tiên được xác định là vào năm 1898”, theo Space.com dẫn lời Don Yeomans, quản lý Văn phòng Chương trình NEO thuộc Phòng Thí nghiệm động lực của NASA ở Pasadena, bang California. “Trong vòng vài trăm năm kế, chỉ có khoảng 500 NEO được tìm thấy. Tuy nhiên sau đó, với sự khởi động của chương trình quan sát NEO của NASA vào năm 1998, chúng tôi bắt đầu theo dõi chúng từ đó. Cùng với việc bổ sung các hệ thống mới, hiện đại hơn, chúng ta càng biết được nhiều hơn về các NEO hiện trong hệ mặt trời, và nơi chúng sẽ di chuyển trong tương lai”, Yeomans cho biết.

Dù vẫn còn nhiều đá vũ trụ chưa được tìm thấy, giới chuyên gia cho rằng đại đa số các NEO lớn và nguy hiểm nhất đều đã bị lôi ra ánh sáng. Trong số 10.000 phát hiện tính đến thời điểm này, khoảng 1.000 NEO có bề ngang lớn hơn 1km. Từ mốc kích thước này trở đi, khi va chạm với trái đất, hậu quả sẽ không tưởng tượng nổi, và tất cả sự sống trên bề mặt hành tinh sẽ bị ảnh hưởng. May mắn là cho đến nay, chưa vật thể nào cỡ này tỏ ra có nguy cơ đe dọa trái đất. Tin tức tốt lành hơn nữa là chỉ còn vài chục NEO lớn nhất vẫn chưa được phát hiện.

Càng nhỏ thì NEO càng khó được tìm thấy, có nghĩa là đa số các NEO chưa lộ diện đều có kích thước nhỏ, nhưng không phải vì thế mà chúng kém nguy hiểm. Ví dụ, bất cứ đá vũ trụ nào bề ngang từ 30m trở đi đều có thể gây nên tổn hại đáng kể đối với một khu vực dân cư khi nó tiếp đất. Tính đến nay, giới chuyên gia chỉ phát hiện được không đầy 1% NEO từ 30m trở xuống. Vào năm 2005, quốc hội Mỹ chỉ đạo NASA phải tìm cho ra 90% số NEO kích thước từ 140m trở lên. Cộng đồng này được cho là có trên dưới 15.000 NEO với kích cỡ này, và 30% trong số chúng đã được theo dõi.

Hiện các chương trình NEO đang tìm các vật thể mới với tốc độ trung bình là 3 NEO/ngày. Tuy nhiên, cái mà giới chuyên gia sợ nhất là những “con ngựa đen” kiểu thiên thạch nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk (Nga) hồi tháng 2. “Hung thủ” chỉ vỏn vẹn 15 m bề ngang và có quỹ đạo không lường trước được.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video