Các nhà khoa học Mỹ tại trường Đại học California ở Riversiside (UCR-Mỹ) đã thành công trong việc chế tạo một loại vật liệu mới lấy từ chính máu bệnh nhân để làm lành vết thương mãn tính.
Loại gel mới này được sản xuất bằng kỹ thuật huyết tương đa tiểu cầu (PRP), hoạt động theo cơ chế làm tăng tính năng tự phục hồi vết thương ở người bệnh. Protein (thrombin) trong máu được tách ra nhằm kích hoạt tiểu cầu và tăng cường tái tạo mô. Sau đó, các nhà khoa học đã thêm vitamin C vào để tạo ra loại gel trên, bởi vitamin C được cho là quan trọng nhất trong quá trình tạo ra collagen giúp làm lành vết thương nhanh chóng.
Tiến sỹ Chao Wang cùng loại gel mới trong phòng thí nghiệm của UCR.
Đặc tính của loại gel này cũng rất mềm và có khả năng kéo giãn như cao su, thậm chí kéo giãn tới 50 lần so với kích thước ban đầu. Sau khi bị cắt đứt, nó có khả năng tự lành sau khoảng 24 giờ, giống hệt như cách Logan, hay người sói Wolverine trong loạt phim X-men, tự làm liền các vết thương trên cơ thể.
Chất gel này còn có khả năng như một chất dẫn điện thông qua dòng chảy ion, nghĩa là vật liệu này cho phép các ion (điện tích) chạy qua. Đây cũng là lần đầu tiên trong giới khoa học, các nhà nghiên cứu tích hợp khả năng tự phục hồi trong một chất giống như gel mà lại là chất dẫn điện. Qua đó, các nhà khoa học Đại học California đã sử dụng các ion lưỡng cực để giữ các phân tử lại với nhau, trong đó mỗi phân tử đều có một đầu cực âm và dương. Sự mất cân bằng điện áp giữa chúng sẽ tạo ra một lực hút tĩnh điện. Sau đó, trộn lẫn muối có ion cao với một phân tử polymer có lực co giãn để tạo ra một loại vật liệu như gel có tính năng làm lành vết thương.
Chất gel này còn có khả năng như một chất dẫn điện thông qua dòng chảy ion.
Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) phối hợp cùng công ty Biotherapy Services đã tiến hành thử nghiệm loại gel trên đối với các bệnh nhân đang điều trị các vết thương mãn tính tại Bệnh viện Đại học Croydon cho kết quả 9/10 bệnh nhân đã khỏi sau khi dùng loại gel này, mặc dù trước đó họ đã chạy chữa hàng năm không mấy hiệu quả. Theo bác sĩ Stella Vig của bệnh viện này giải thích, chính do loại gel mới này được phân lập từ máu người bệnh nên có thể giảm nguy cơ dị ứng so với những phương pháp thông thường và rút ngắn thời gian điều trị, cũng như hiệu quả mang lại rất cao.
Mới được đăng tải trên tạp chí Advanced Materials, nhưng công trình nghiên cứu đang ở dạng sơ khai của các nhà khoa học Mỹ lại được đánh giá rất cao bởi ứng dụng tiềm năng đa chiều của nó. Loại gel mới này sẽ cung cấp cho robot khả năng tự khôi phục sau khi có sự cố kỹ thuật xảy ra, hoặc kéo dài tuổi thọ cho pin Li-ion được dùng cho xe điện và các đồ điện tử, cải tiến cảm biến sinh học trong lĩnh vực y tế hay giám sát môi trường. "Trong những năm qua, việc tạo ra một loại vật liệu mới có đầy đủ những tính năng trên đã gây khó khăn cho rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Giờ đây, chúng tôi đã làm được và những ứng dụng tiềm năng của nó mới chỉ bắt đầu được khám phá", Tiến sỹ Chao Wang, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Do loại gel mới này được phân lập từ máu người bệnh nên có thể giảm nguy cơ dị ứng so với những phương pháp thông thường.
Ngoài loại gel của các nhà khoa học Mỹ, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Tài nguyên sinh học Himalaya và Học viện Nghiên cứu Khoa học và Sáng chế ở New Delhi (Ấn Độ) cũng đã phát triển thành công hợp chất mới từ sợi cellulose của cây tre kết hợp cùng các hạt nano bạc có thể chữa lành các vết thương ngoài da hiệu quả.
Theo đó, màng nano composite đã được tổng hợp bằng cách chèn các phân tử nano bạc vào phần khung được kết hợp bằng tinh thể nano cellulose, vốn được chiết xuất từ lá tre. Sau khi ủ với vi khuẩn gây nhiễm trùng, các màng nanocomposite đã ngăn vi khuẩn sinh sôi bằng cách tiết ra các phân tử nano bạc bám vào màng tế bào và dần phá hủy cấu trúc của tế bào vi khuẩn.