Tư nhân làm khoa học: Bắt đầu bén rễ!

Lập viện hay trung tâm nghiên cứu khoa học tư nhân đã trở nên phổ biến ở TP.HCM, hiện có đến hàng trăm, được đánh giá là có nhiều tiềm năng.

Rời ghế viện trưởng Viện Công nghệ hóa học (Viện Khoa học và công nghệ VN), GS-TSKH Trần Mạnh Trí đã lập ngay trung tâm nghiên cứu và làm dịch vụ khoa học - công nghệ. Trung tâm này thuộc loại “siêu gọn”: ông Trí làm giám đốc, vợ ông đảm nhận vai trò kỹ sư thiết kế, thuê thêm một kế toán và một kỹ sư nghiên cứu triển khai các công trình. Bộ máy hành chính và quản lý chỉ có thế thôi... Còn khi có hợp đồng thực hiện các dự án, cần nhiều người thì... đi thuê chất xám. Hiện ở TP.HCM có không ít trung tâm tư nhân làm khoa học tương tự ông Trí.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn (giữa) hướng dẫn các bạn trẻ trên máy sắc ký lỏng ghép khối phổ - máy phân tích dư lượng kháng sinh trong thủy hải sản - tại Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký (EDC) - (Ảnh: Quốc Thanh)

GS CHU PHẠM NGỌC SƠN: “Nếu Nhà nước xem thành phần kinh tế tư nhân nói chung và lực lượng làm khoa học tư nhân nói riêng là một trong những thành phần quan trọng góp phần phát triển đất nước, thì cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi thực tế... cho đối tượng này, đặc biệt là cần ưu đãi để phát triển nguồn nhân lực”. 

 

Trò chuyện với GS Trần Mạnh Trí, ông chân tình: “Khi đã về hưu, được giải phóng khỏi công việc quản lý mới có nhiều thời gian tập trung làm khoa học, làm những điều ham thích và thực tế có nhu cầu”. Ông cho biết trung tâm vừa hoàn tất dự án quốc tế trị giá 70.000 USD triển khai công nghệ xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng bằng công nghệ không thiêu...

Trong khi đó, Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM là một trong những phòng thí nghiệm tư nhân đầu tiên ở VN. TS Diệp Ngọc Sương - giám đốc trung tâm - bộc bạch: khi mới ra đời trung tâm hoạt động cũng èo uột, không có điều kiện nghiên cứu... “Nhưng giờ đây, hoạt động có nhiều khởi sắc, thấy phấn khởi”.

Nguồn thu từ hoạt động của trung tâm đảm bảo “nuôi” được quân số khoảng 35 người và có thể tích lũy một phần để đầu tư phát triển lâu dài. Theo TS Sương, doanh thu đều tăng qua các năm và trong số này 70% thu từ dịch vụ phân tích thí nghiệm.

Nói đến mô hình viện và trung tâm làm khoa học của tư nhân hay một nhóm người..., hầu hết ý kiến đều có chung nhận xét “đây là lực lượng có thể tạo nên sự sôi động và cạnh tranh thật sự của thị trường khoa học - công nghệ”. TS Diệp Ngọc Sương nhấn mạnh: “Vì cạnh tranh ngày càng quyết liệt nên buộc chúng tôi phải cung cấp những dịch vụ khoa học - công nghệ có chất lượng thì khách hàng mới lui tới”.

Theo bà, lợi thế của đơn vị làm khoa học tư nhân còn nằm ở chỗ mọi quyết định đều dựa vào thực lực và nhu cầu thực tế, không phải chờ đợi và xin ý kiến... Theo Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, tính đến nay sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho khoảng 111 trung tâm và viện hoạt động theo Luật khoa học - công nghệ, trong số này hầu hết là thuộc khu vực tập thể và tư nhân. Những nơi “ăn nên làm ra” đạt doanh số trung bình 50 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, “những chính sách hiện tại dành cho khối tư nhân hay tập thể làm khoa học chưa đủ để thúc đẩy khối này phát triển được” - một nhà khoa học đã nhận xét. Còn theo GS Trần Mạnh Trí, việc lập trung tâm hay viện làm khoa học tư nhân cũng dễ dàng như lập một doanh nghiệp, chỉ có điều chính sách nâng đỡ, ưu đãi cho khối này hầu như chưa có gì. Ông nhấn mạnh: “Cách tính thuế thực tế hiện nay đối với các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học tư nhân là chưa khuyến khích, chưa động viên được lực lượng này”.

PGS.TS PHAN MINH TÂN - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM:

Nhà nước hỗ trợ chưa được nhiều!

Cần khuyến khích phát triển loại hình này. Lực lượng này tham gia tích cực vào thị trường tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ... Song, số hoạt động hiệu quả cao cũng còn khiêm tốn. Tôi cũng nhận thấy những hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý cho khối này chưa được nhiều. 

Cũng cần nói thêm năng lực cơ sở vật chất, đội ngũ khoa học... của các trung tâm, viện khoa học tư nhân hay tập thể có hạn chế nên ảnh hưởng đến khả năng tham gia các chương trình, dự án khoa học, đặc biệt là khi tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, về nguyên tắc, khối này được hưởng một số ưu đãi về thuế nhưng trên thực tế áp dụng có gặp khó khăn. Lý do: giữa cán bộ tính thuế và người đóng thuế nhiều khi chưa có tiếng nói chung trong việc xác định công việc nào được miễn thuế, công việc nào được giảm thuế... 

QUỐC THANH

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video