Từng bị cả thế giới "khinh miệt", đây là cách ngành công nghiệp này đã cứu nhân loại trong thời gian kỷ lục

Trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, những hành vi gian lận trong kinh doanh hoặc điên cuồng tăng giá thuốc khiến ngành công nghiệp dược phẩm bị cả thế giới bỉ bôi.

Trong một cuộc thăm dò do Gallup thực hiện nhằm tìm kiếm sự tín nhiệm của công chúng với các ngành nghề khác nhau đầu năm 2019, ngành công nghiệp dược phẩm bị xếp ở cuối, sau cả ngành dầu mỏ, quảng cáo và quan hệ công chúng cũng như luật sư.


. Trong thời gian ngắn kỷ lục, các nhà sản xuất đã tạo ra được vắc xin chống Covid-19.

Không ai có thể ngờ được rằng một năm sau, những công ty dược phẩm này đã cứu thế giới. Đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc và nhanh chóng lan khắp thế giới đã khiến cuộc sống của con người đảo lộn hoàn toàn. Những điều trước nay chỉ có trong phim viễn tưởng lại bất ngờ xảy đến khi nhân loại hoàn toàn không có phòng bị.

Bất chấp các biện pháp ngăn chặn virus corona lây lan, vắc xin là thứ duy nhất có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong thời gian ngắn kỷ lục, các nhà sản xuất đã tạo ra được vắc xin chống Covid-19 và bắt đầu phân phát chúng. Dù việc phân phối hay sản xuất vắc xin vẫn là những bài toán khó nhưng việc nhiều hãng dược phẩm chế tạo thành công vắc xin có thể là điểm sáng.

Nhiệm vụ chế tạo vắc xin bắt đầu tháng 1/2020, khi virus corona bùng lên ở Trung Quốc. Thời điểm đó, đại dịch vẫn là thứ gì đó xa lạ với người dân Mỹ và châu Âu. Công ty Công nghệ sinh học Moderna Inc. đã lấy mã di chuyển của virus mới từ các nhà khoa học Trung Quốc và bắt đầu nghiên cứu chế tạo thuốc.

Trong vài ngày, các nhà khoa học ở đó đã tạo ra một loại vắc xin cùng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cơ quan do ông Anthony Fauci đứng đầu. Đến giữa tháng 3, thử nghiệm lâm sàng được triển khai.

Pfizer Inc., một tên tuổi khác trong ngành công nghiệp dược phẩm, cũng công bố kế hoạch chế tạo vắc xin của mình trong cùng thời điểm. Một năm rưỡi trước đó, công ty này đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức để có công nghệ RNA nhằm chế tạo vắc xin như những gì Moderna đã làm. Về lý thuyết, phương pháp này giúp tạo ra vắc xin một cách nhanh chóng.

"Thế giới chưa từng phải đối mặt với tình huống tệ hại nào như thế này trong vòng 100 năm qua. Chúng tôi may mắn vì đã có khoa học", ông Steven Joffe, lãnh đạo cấp cao của Trường y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania nói về công nghệ sản xuất vắc xin mới nhằm chống lại virus corona.

Thực tế, khoa học không phải thứ mà con người có được nhờ may mắn. Đằng sau những hào quang là cả một quá trình kéo dài đầy thầm lặng. Trong nhiều năm, trưởng nhóm nghiên cứu của các công ty dược phẩm hàng đầu thường nhóm họp để cùng trao đổi về cách tăng tốc trong công việc của họ. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, một nhóm 20 công ty dược đã làm việc với các cơ quan hàng đầu của Chính phủ Mỹ nhằm tìm ra phương pháp chữa bệnh cũng như vắc xin để chữa trị.

Thực tế, vai trò của Chính phủ Mỹ trong sự đột phá này là rõ ràng. Vào cuối tháng 4, khi đại dịch làm gần 60.000 người Mỹ thiệt mạng, nhóm hành động của Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt mục tiêu tạo ra vắc xin đủ cho 300 triệu người Mỹ trước năm mới. Các công ty dược được chính phủ tài trợ cho việc phát triển vắc xin. Một số khác được Chính phủ cam kết mua một lượng vắc xin khổng lồ nếu chúng chứng minh được hiệu quả.

Chính sự hậu thuẫn của Chính phủ cho phép các công ty nhỏ hơn tham gia cuộc đua này. Với các doanh nghiệp nhỏ, họ sẵn sàng lựa chọn áp dụng những công nghệ rủi ro hơn. Thông thường, các công ty dược nhỏ không có đủ tiềm lực để thực hiện những tham vọng này. Điều này giúp tiến trình chế tạo vắc xin được đẩy nhanh.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống Covid-19 có lẽ không giống bất cứ cuộc chiến nào. Pfizer, doanh nghiệp dược nổi tiếng như một con cá mập háu ăn, chuyên nuốt chửng các đối thủ, cũng tuyên bố rằng họ sẵn sàng hợp tác trong việc sản xuất vắc xin với các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp đảm bảo thế giới sẽ có đủ thuốc cho cuộc chiến chống Covid-19.

Ở thời điểm hiện tại, vắc xin của Pfizer và Moderna đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều quốc gia cũng đã phê duyệt và đưa vào tiêm chủng các loại vắc xin này. Hiện tại, do số lượng thuốc còn hạn chế nên chỉ những người ở tuyến đầu chống dịch và các đối tượng có nguy cơ cao được tiếp cận với thuốc.

Dẫu vậy, tới mùa hè năm nay, hàng trăm triệu người sẽ được tiêm vắc xin. Đó là một thành tích đáng được tôn vinh, một nỗ lực đáng được ghi nhận bất kể động cơ phía sau có là gì đi chăng nữa. Việc tạo ra vắc xin cũng giúp thay đổi đáng kể hình ảnh của công chúng về các công ty dược phẩm và cả vai trò của các chính phủ.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn thực sự là nỗi ám ảnh. Việc liên tiếp tái bùng phát ở các quốc gia, virus liên tiếp biến đổi với khả năng lây lan mạnh mẽ hơn, sẽ tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực không mệt mỏi của cả thế giới trong việc xóa xổ đại dịch này. Ngoài ra, việc không đồng nhất trong khả năng tiếp cận vắc xin, nhất là đối với các nước nghèo, có thể khiến tình hình chưa được giải quyết trong một sớm một chiều.

Cập nhật: 26/12/2020 Theo Trí thức trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video