Nga sắp phóng "bánh rán khổng lồ" lên rìa hệ Mặt trời trong thời gian kỷ lục

  •  
  • 554

Nhóm các nhà khoa học Nga đang phát triển tàu vũ trụ hình bánh donut có thể chạm tới góc xa nhất của hệ Mặt trời trong thời gian kỷ lục.

Con tàu di chuyển bằng cách lấy năng lượng trực tiếp từ Mặt trời. Tấm bao phủ phần giữa của nó là cánh buồm mặt trời được phủ chất đặc biệt, sẽ bắt đầu bay hơi khi tới gần Mặt trời giúp con tàu tăng tốc mà không phải mang động cơ nặng.

Cách di chuyển trên giúp con tàu nhanh chóng tới gần đám mây Oort bí ẩn, lớp vỏ gồm hàng nghìn tỷ vật thể đóng băng nằm ở vị trí xa nhất trong hệ Mặt trời, và được cho là nơi các sao chổi hình thành.

Con tàu di chuyển bằng cách lấy năng lượng trực tiếp từ Mặt trời.
Con tàu di chuyển bằng cách lấy năng lượng trực tiếp từ Mặt trời. (Ảnh minh họa: RT).

Việc lợi dụng Mặt trời để di chuyển cũng cho phép tàu vụ trũ Nga vượt qua các tàu thăm dò nhanh nhất hiện nay, làm sáng tỏ câu hỏi về nguồn gốc của sao chổi, đồng thời chứng minh lý thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein.

"Thời gian của các chuyến bay tới các ngôi sao khác là rất lớn. Tàu thăm dò không gian tốc độ cao Voyager 1 mất 300 năm để tới được đám mây Oort. Tàu vũ trụ mới có thể sẽ tới đó chỉ trong 20-30 năm", Giáo sư Olga Starinov, thuộc khoa Kỹ thuật Vũ trụ của Đại học Samara cho biết.

"Điều này có nghĩa là chúng ta hoặc thế hệ tiếp theo có thể thu được bằng chứng về các đám mây được cho là nguồn gốc tạo ra tất cả các sao chổi, và kiểm tra những gì còn sót lại sau khi hệ Mặt trời hình thành cách đây khoảng 4,6 tỷ năm trước", bà Starinov giải thích.

Các nhà khoa học nhiều năm qua nghiên cứu các chuyến bay tới các hành tinh khác trong hệ Mặt trời và nhận ra rằng các cánh buồm mặt trời có thể duy trì sự hiện diện gần sao Mộc, sao Thổ hoặc sao Hỏa trong một thời gian dài, trước khi chuyển dữ liệu khoa học về Trái đất.

Mục tiêu mà họ hướng tới hiện nay là bay càng gần Mặt trời càng tốt để thực hiện các nhiệm vụ đường dài tới các hệ thống sao lân cận.

Cập nhật: 08/10/2019 Theo VTC News
  • 554