Ngày 3/12 tại Hà Nội, diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 (Diễn đàn APRSAF-20) đã chính thức bắt đầu.
Diễn đàn APRSAF-20 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản và Bộ Giáo dục, Văn hóa thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đồng tài trợ và tổ chức.
Với chủ đề: “Giá trị từ không gian: 20 năm hoạt động của Diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Diễn đàn APRSAF-20 sẽ tập trung thảo luận về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, thông tin vệ tinh và giáo dục nâng cao nhận thức về khoa học công nghệ vũ trụ.
Tham dự Diễn đàn có hơn 400 đại biểu đến từ các nước châu Á-Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế cùng gần 100 đại biểu của Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia Diễn đàn APRSAF từ nhiều năm nay. Đặc biệt, trong những năm gần đây, theo định hướng của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến năm 2020", Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ như tham gia các kỳ họp của APRSAF, Ủy ban tư vấn liên chính phủ về vũ trụ của UNESCAP và Tổ chức Liên hiệp quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ, ký kết và triển khai hợp tác với một số cơ quan hàng không vũ trụ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về ứng dụng công nghệ vũ trụ vì sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đặc biệt trong phòng tránh thiên tai, quản lý môi trường, tài nguyên...
Trong bốn ngày (từ 3-6/12), Diễn đàn APRSAF–20 có các phiên họp của 4 tiểu ban chuyên môn với các nội dung thảo luận gồm Quan sát trái đất: Ứng dụng công nghệ vũ trụ trong viễn thám, nghiên cứu các vấn đề về thu ảnh và xử lý ảnh vệ tinh phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; Ứng dụng vệ tinh viễn thông: Sử dụng khoảng không vũ trụ để cải thiện mức sống, ứng dụng vệ tinh viễn thông phục vụ đào tạo từ xa, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và văn hóa cho các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; Giáo dục và phổ biến kiến thức vũ trụ: Các giải pháp cho giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về khoa học công nghệ vũ trụ, đặc biệt là cho thế hệ trẻ; Ứng dụng khoảng không vũ trụ trong nghiên cứu môi trường: Các nghiên cứu khoa học trong không gian, đặc biệt là tiến hành các thí nghiệm khoa học trên trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Tại phiên toàn thể, đại diện các cơ quan vũ trụ của các nước trong khu vực sẽ trình bày báo cáo tổng quan về kết quả và phương hướng ứng dụng công nghệ vũ trụ của mỗi nước; báo cáo của bốn tiểu ban chuyên môn; thảo luận các biện pháp tăng cường sự hợp tác trong khu vực.
Diễn đàn APRSAF-20 là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tăng cường và mở rộng hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ với các nước và các tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đồng thời tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, hợp tác quốc tế, đặc biệt về đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ vũ trụ.