Ứng dụng công nghệ vũ trụ giám sát tài nguyên biển

  •  
  • 238

"Việc triển khai ứng dụng công nghệ vũ trụ (CNVT) trong công tác giám sát vùng biển và tài nguyên biển Việt Nam là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách", đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến tại cuộc họp bàn về việc ứng dụng CNVT trong quản lý và giám sát tài nguyên biển ở Việt Nam, tổ chức ngày 22-5.

Hãy quan tâm đến biển

Ông Lê Đình Tiến cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng được đề cập đến trong Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 là việc đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và phát triển khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng công nghệ cao trong công tác quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế biển. Theo đó, chiến lược này không chỉ nêu lên nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng cho CNVT mà còn nhấn mạnh vào công tác triển khai các ứng dụng công nghệ vũ trụ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, trong đó kinh tế biển đóng vai trò hết sức quan trọng.

GS-TS Đinh Văn Ưu - Giám đốc Trung tâm Động lực và Môi trường biển (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, hiện nay, phần lớn các quan trắc viễn thám chỉ mới cho các thông số của mặt biển, vì vậy cần có những kỹ thuật đồng hóa số liệu cho phép mô tả các quá trình động lực trong lòng đại dương dựa trên những đặc trưng mặt biển.

Còn theo ông Nguyễn Khoa Sơn - Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chúng ta cần xây dựng một hệ thống dữ liệu vệ tinh tổng hợp cho phép giám sát, quản lý và hỗ trợ ngành đánh bắt thủy sản của Việt Nam, dự và cảnh báo các tình huống khí tượng thủy văn, phát hiện tràn dầu và đặc biệt giám sát và bảo vệ nguồn tài nguyên biển của Việt Nam. Trên thực tế công tác này chưa đạt như mong muốn.

Ứng dụng CNVT như thế nào?

Với những hạn chế như vậy, việc tìm một giải pháp ứng dụng khả thi là hết sức cần thiết.

Trước hết, theo GS-TS Trần Mạnh Tuấn, Việt Nam nên xây dựng hạ tầng ban đầu cho ngành CNVT nói chung bao gồm trạm thu và trung tâm xử lý ảnh vệ tinh, hệ thống trạm định vị nhờ vệ tinh, vệ tinh viễn thông địa hình, vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và các trạm mặt đất tương ứng; hình thành và tổ chức thực hiện chương trình khoa học công nghệ độc lập về CNVT. Tổ chức tốt khâu đào tạo kỹ sư CNVT trong nước; hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các nước có ngành khoa học CNVT phát triển để có được những chuyên gia trình độ cao, tự chế tạo được một số sản phẩm phần cứng (các thiết bị của trạm thu) và phần mềm (xử lý ảnh, mã hóa, bảo mật thông tin, trợ giúp thiết kế vệ tinh...).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển CNVT ở Việt Nam, nâng cao và phát huy cơ sở vật chất đã được đầu tư trong giai đoạn trước; đồng thời chuẩn bị phương án và kế hoạch phóng vệ tinh viễn thông thứ hai, đáp ứng đủ nhu cầu khai thác dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình. Chế tạo và phóng 1-2 vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Mở rộng và thương mại hóa một số sản phẩm ứng dụng CNVT.

Một điều quan trọng khác là chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng CNVT, trong đó nghiên cứu các luật quốc tế và các quy định sử dụng khoảng không vũ trụ để bảo đảm chủ quyền quốc gia, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp quy chung và của các ngành liên quan đến việc ứng dụng CNVT, trong đó có giám sát và phát triển kinh tế biển; xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về lưu trữ, khai thác và sử dụng ảnh vệ tinh và các thông tin dẫn suất như bản đồ, cơ sở dữ liệu...

Theo Nông thôn ngày nay, Nhân dân
  • 238