"Ướp xác" ở nhiệt độ -196 độ C: Nhân loại đang tiến 1 bước đến sự bất tử?

Tạm ngưng cuộc sống bằng phương pháp đông lạnh rồi đánh thức dậy sau hàng chục năm, thậm chí là hàng trăm năm là điều không ít người tin và bỏ ra cả gia tài để thực hiện.

Trong việc này, chỉ có một trở ngại duy nhất, nhưng lại là lớn nhất: khi nước đông cứng lại thành đá, nó đã phá hủy các tế bào.

Ở Mỹ, có hàng nghìn người đang mong được đông lạnh sau khi chết. Có đến 5 hãng kinh doanh thị trường đầy tiềm năng này.

Hiện nay, gần 70 di hài đã được thả vào trong các thùng đổ đầy nitơ lỏng, và hàng trăm người còn sống đã đăng ký dịch vụ này.

Họ đều hy vọng trở lại với với cuộc sống sau 20, 50 hay 100 năm, khi mà các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp chống lại thứ bệnh đã cướp đi tính mạng của họ, hoặc đã có cách để chống lại tuổi già.


Quá trình đông lạnh và bảo quản cơ thể tốn trên 150.000 USD.

Tuy nhiên để có hy vọng phục sinh, nhất thiết bạn phải là người giàu có. Quá trình đông lạnh và bảo quản cơ thể tốn trên 150.000 USD.

Những người ít tiền hơn có thể chọn giải pháp khác, kinh tế hơn gọi là neuro. Đó là chỉ có phần đầu của người chết được giữ trong môi trường đông lạnh, chủ yếu để giữ lấy não, cơ quan quyết định bản chất của người muốn hồi sinh.

Hugh Hixon, kỹ thuật viên của Alcor Cryogenics, một trong 5 hãng đông lạnh nổi tiếng, cho biết:

Não bộ của người tham gia dịch vụ có thể được ghép với một cơ thể sinh sản vô tính của chính mình đã bỏ não, hoặc với một thể xác khác đã được cải thiện theo kiểu người hùng Rambo hoặc là thông tin của bộ não sẽ được chuyển vào một người máy thông qua máy tính...

Để thực hiện được những lý thuyết đó, trước hết các thân thể và bộ óc kia phải vượt qua một quãng thời gian dài mà vẫn không bị hư hỏng nhiều. Đúng là cái lạnh có khả năng giữ gìn.

Nó làm chậm lại và chấm dứt quá trình phân hủy ở nhiệt độ -196oC (nhiệt độ của nitơ lỏng). Nhưng nếu sự thối rữa không xảy ra, thì các tử thi được ướp lạnh vẫn có thể thức dậy nhưng trong tình trạng bị thủng lỗ chỗ...

Thủ phạm ở đây là sự đóng băng. Ngay khi vượt quá ranh giới 0oC, nước (chiếm đến 70% cơ thể chúng ta) bắt đầu chuyển thành băng. Nó tăng 9% khối lượng và kết tinh. Những tinh thể này đặc biệt có hại cho cơ thể.

Nếu quá trình đông lạnh diễn ra từ từ, những viên đá đó sẽ được hình thành bên ngoài tế bào, đồng thời cô lập những phân tử nước của chất lỏng trong cơ thể. Kết quả là tất cả những thành phần trong chất lỏng đó sẽ bị hòa tan trong lượng chất lỏng mỗi lúc một thu nhỏ.

Dung dịch bên ngoài sẽ đặc hơn dung dịch bên trong tế bào và tạo thành lực hút nước từ bên trong tế bào ra ngoài. Hiện tượng này sẽ làm tan vỡ tế bào.

Ngược lại với quy trình trên, nếu quá trình làm lạnh đẩy nhanh, các tế bào không có thời gian để mất nước. Băng sẽ hình thành ngay bên trong tế bào và các tinh thể xé rách các lớp màng.

Hiển nhiên là trên lý thuyết có tồn tại một quá trình làm lạnh lý tưởng, không làm tổn hại đến các tế bào.

Nhưng áp dụng nó đồng bộ với tất cả các tế bào của một tử thi nặng 70kg vẫn còn là một "nhiệm vụ bất khả thi" (vì mỗi loại tế bào cần một điều kiện bảo quản khác nhau, trong khi cơ thể người thì có hàng trăm nghìn loại tế bào như vậy).

Một số động vật máu lạnh, như ếch rừng, thích nghi rất tốt với nhiệt độ khắc nghiệt. Vào mùa đông, loài lưỡng cư này có khả năng sống sót sau hai tuần với 65% lượng nước trong cơ thể ở dạng băng. Bí mật của chúng là không bao giờ để các tinh thể hình thành bên trong tế bào.

Để thực hiện được điều đó, cơ thể ếch có những phân tử chứa gluco, đóng vai trò một công cụ chống lạnh ngấm vào bên trong tế bào và ngăn cản sự đông đá.

Kết quả là các phân tử nước tự do có liên kết với nhau, nhờ vậy quá trình đóng băng diễn ra chậm hơn. Và với nhiệt độ thấp, cho đến -8oC (dưới nhiệt độ này ếch sẽ chết), phía bên trong của tế bào vẫn còn chất lỏng.

Lấy ý tưởng từ khả năng của ếch, các chuyên gia kỹ thuật của công ty Alcor đã thử truyền cho khách hàng của mình chất glycerol. Tuy nhiên đối với các chuyên gia trong lĩnh vực ướp xác thì đây chưa phải là giải pháp tối ưu.


Cơ thể người đông lạnh trong các bồn tại Quỹ kéo dài đời sống Alcor tại Arizona, Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Họ cũng đã tính đến giải pháp sử dụng các chất chống đông lạnh. Mục đích là lưu trữ các tế bào ở nhiệt độ -196oC, nhằm bảo quản các bộ phận trong cơ thể, phục vụ việc cấy ghép.

Hiện tại, các nội tạng được bảo quản trong môi trường trên 0oC một chút. Với nhiệt độ này, một trái tim có thể giữ được 4-6 tiếng, chỉ đủ để các bác sĩ làm các xét nghiệm cần thiết trước khi cấy ghép.

Truyền chất lỏng đóng băng

Nhờ vào các chất chống đóng băng khác nhau, các chuyên gia ướp xác ngày nay đã có thể giữ được các tế bào đơn lẻ dưới 0oC mà không bị hư hại, ví dụ như hồng cầu, tinh trùng, các tế bào gan, tim, xương hay cả một nhóm nhỏ tế bào như các phôi chưa phát triển (từ 4 đến 8 tế bào), các van tim và thậm chí một vài mô đơn giản như da hay giác mạc.

Tuy nhiên, các bộ phận nguyên vẹn như trái tim, gan hay thận được giữ ở nhiệt độ -196oC, sau đó được phục hồi thì đều không thành công.

Nguyên nhân là vì mỗi cơ quan được hợp thành từ hàng triệu tế bào rất khác nhau, mỗi loại lại có những yêu cầu đặc biệt (ví dụ như tế bào tụy sản xuất ra insulin, chống lại sự đông lạnh nhanh, trong khi tế bào khác, tiết ra glucagon, lại không chịu được bất kỳ một chất chống đóng băng nhanh nào...)

Giả sử các nhà khoa học có thể xác định được những điều kiện trung bình phù hợp với tất cả tế bào, thì cũng khó có thể áp dụng một cách đồng thời với toàn bộ cơ thể.

Các tế bào nằm ở bề mặt đông lạnh nhanh hơn các tế bào ở trung tâm, các tế bào nằm cạnh động mạch (người ta truyền chất chống đóng băng lạnh qua động mạch) sẽ được cung cấp tốt hơn các tế bào ở xa.

Thủy tinh thay thế băng giá

Không chịu, các chuyên gia kỹ thuật đổi hướng sang một phương pháp mới: thủy tinh hóa. Với kỹ thuật không còn băng giữa các tế bào, mà là một chất vô định hình giống như thủy tinh.

Như vậy, khi nhiệt độ được giảm nhanh xuống -130oC thì các chất lỏng tồn tại một cách lộn xộn và không đóng băng được.

Nhờ đó, tế bào vẫn giữ được hình thể ban đầu, và "thủy tinh" đã ngăn khoảng trống giữa các tế bào không làm biến đổi cấu trúc của các bộ phận cơ thể.

Đây được coi là kỹ thuật lý tưởng để giữ được một bộ phận hay cả cơ thể người. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là lý thuyết vì các nhà khoa học đã nhiều lần thử nghiệm trên một bộ phận cơ thể, nhưng vẫn chưa thành công.


Ca ướp lạnh của giáo sư tâm lý học James Bedford từ tháng 1/1967 vẫn đang được bảo quản cho đến nay.

Nếu tế bào không chết vì nhiễm độc chống đóng băng (thường gây độc ở những chỗ tập trung nhất), chúng cũng chết vì bị xé rách bởi các tinh thể hình thành lúc hâm nóng lên, nếu quá trình hâm nóng không đủ mạnh...

Mặc dù vậy, Geogory M. Fahy, chuyên gia thủy tinh hóa các nội tạng, vẫn rất lạc quan. Trong phòng thí nghiệm, ông tiếp tục thử nghiệm những hợp chất chống đóng băng mới, ít độc hơn. Và các chuyên gia của Alcor cũng không bỏ cuộc.

Trong cuốn sách của mình, họ giải thích rằng trong một tương lai gần, con người sẽ chế ngự được những công nghệ siêu nhỏ trong hệ thống tuần hoàn máu.

Nhờ khả năng hoạt động độc lập, các cỗ máy này sẽ được lên chương trình để sửa chữa hết phân tử này đến phân tử khác, ngăn chặn mọi tổn hại gây ra do quá trình đông lạnh, tuổi tác, bệnh tật và cái chết.

Tất nhiên cho đến nay, tất cả mới chỉ là chuyện khoa học viễn tưởng.

Cập nhật: 01/12/2016 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video