navigation

Vắc xin công nghệ ADN đầu tiên trên thế giới chống được biến thể Delta

Zydus, nhà sản xuất vắc xin Covid-19 đầu tiên dựa trên công nghệ ADN, cho biết loại vắc xin này cần phải tiêm 3 mũi và cho hiệu quả chống lại biến thể Delta khoảng 66%.

Ngày 21-8, Zydus cung cấp thêm nhiều thông tin về vắc xin có tên ZyCoV-D sau khi được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Đây là loại vắc xin dựa trên ADN đầu tiên trên thế giới và có thể được tiêm mà không cần kim tiêm.


Vắc xin ZyCoV-D dự kiến sẽ được phân phối ngay trong tháng 9 tới - (Ảnh chụp màn hình Zee News).

"Hiệu quả của vắc xin Covid-19 do chúng tôi phát triển là hơn 66% và hiệu quả của nó đối với biến thể Delta là khoảng 66%", trang Business Standard dẫn lời ông Sharvil Patel - một nhân sự cấp cao của Zydus - khẳng định.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để triển khai loại vắc xin này càng sớm càng tốt. Các thông tin như giá sẽ được công bố vào tuần tới. Chúng tôi sẽ có giá sàn cho vắc xin nhưng giá cụ thể thì còn tùy thuộc vào số lượng mua, khả năng vận chuyển và công nghệ nữa", ông Patel giải thích thêm.

Kết quả tạm thời từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên 28.000 tình nguyện viên cho thấy hiệu quả của ZyCoV-D là 66,6% đối với các trường hợp dương tính có triệu chứng được xác nhận bằng xét nghiệm RT-PCR.

Do sử dụng công nghệ dựa trên plasmid ADN nên ZyCoV-D có thể được điều chỉnh để đối phó với các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, theo DCGI. Khi tiêm vào người, loại vắc xin này sẽ tạo ra các protein gai như của SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sinh miễn dịch, theo Bộ Công nghệ sinh học Ấn Độ.

"Quả thực là một kỳ tích quan trọng" - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi trên Twitter khi ZyCoV-D được cấp phép khẩn cấp.

Người chọn vắc xin ZyCoV-D cần được tiêm 3 mũi cách nhau 28 ngày. Đối tượng có thể tiêm là người trưởng thành và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Đây là loại vắc xin thứ 5 được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ, sau Covishield, Covaxin, Sputnik V và Moderna, theo báo The Hindu. Chương trình tiêm chủng của Ấn Độ vẫn phụ thuộc phần lớn vào hai loại vắc xin là Covishield và Covaxin, chiếm 90% số vắc xin đã tiêm.

Sự xuất hiện của biến thể Delta đã đẩy các hãng dược phẩm bước vào một cuộc đua mới. Tại Nga, Viện Dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya đã nghiên cứu cải tiến vắc xin Sputnik V để tăng mức độ bảo vệ trước biến thể Delta.

Một số hãng dược khác khuyến cáo các nước tiêm tăng cường 1 liều vắc xin để duy trì mức độ hiệu quả của vắc xin trước biến thể Delta.

Cập nhật: 24/08/2021 Theo Tuổi Trẻ