Vaccine (vắc xin) là gì? Tại sao vaccine không dùng để chữa bệnh mà là phòng bệnh?

Mặc dù thuật ngữ vaccine (vắc-xin) được sử dụng khá rộng rãi, ai cũng từng được tiêm vaccine nhưng vẫn có khá nhiều người hiểu lầm về vaccine, cho rằng vaccine dùng để chữa bệnh, trong khi thực tế đây là chế phẩm dùng để phòng bệnh cho người khoẻ mạnh.

Vaccine là gì?

Vaccine (hay còn gọi là vắc-xin) là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, dùng để đưa vào cơ thể người khoẻ mạnh và làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch đặc hiệu chủ động chống lại tác nhân gây bệnh.

Vaccine chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus, thường là các virus hoặc vi khuẩn sống bị giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết, được gọi là kháng nguyên. Các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, khi được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện nó như là "vật lạ", kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần, có thể gây nên một số triệu chứng nhẹ như sốt. Nhưng đây là biểu hiện bình thường và được coi như là dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sau khi quá trình nhiễm trùng "bắt chước" này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong những lần sau, giúp cho cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.


Để chế tạo vaccine, thường sẽ phải mất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm.

Có thể nói việc nhà khoa học enner phát minh ra vaccine vào năm 1796 là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi vaccine ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Để chế tạo vaccine, thường sẽ phải mất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm. Khi một vaccine mới được phát triển thì cần phải trải qua các thử nghiệm trên động vật rồi đến một nhóm người nhỏ và sau đó mới có thể dùng cho cộng đồng. Các bước thử nghiệm này giúp đảm bảo tính an toàn cũng như chắc chắn hoạt động của vaccine có hiệu quả. Hoạt động thử nghiệm vaccine trên người thường khá tốn kém và các đơn vị nghiên cứu sẽ cần tuyển những người tình nguyện tham gia thử nghiệm.

Công dụng của vaccine

Vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vaccine là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau khi tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.

Nhờ có vaccine hàng triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Người đã được tiêm chủng sẽ không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh dịch gây ra.

Khi chương trình tiêm chủng thực hiện tốt, đa số mọi người đều được chủng ngừa một căn bệnh, đôi khi bệnh đó có thể biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng và chương trình tiêm chủng vaccine đó có thể dừng lại. Ví dụ bệnh đậu mùa. Tuy nhiên một số bệnh như bệnh sởi nếu dừng chương trình tiêm chủng, tỉ lệ tiêm chủng giảm xuống bệnh sẽ bùng phát rất nhanh.

Trong vaccine có gì?

Vaccine gồm nhiều thành phần, nhưng nhìn chung có các thành phần chính là kháng nguyên, tá dược và chất bảo quản.


Một số loại vaccine được đựng trong các ống có thể sử dụng nhiều lần.

Kháng nguyên là thành phần quan trọng nhất, giúp cơ thể nhận ra đây là một thành phần xâm nhập. Tùy thuộc vào loại vaccine, kháng nguyên có thể là một phân tử từ virus như chuỗi DNA hoặc protein, hoặc cũng có thể là virus sống đã bị làm suy yếu. Ví dụ, vaccine sởi chứa virus sởi đã được can thiệp để giảm độc lực.

Khi cơ thể được tiêm vaccine sởi, hệ miễn dịch sẽ nhận ra chuỗi protein của virus sởi và tìm cách tạo ra kháng thể để loại bỏ nó.

Tá dược là các chất giúp khuếch đại phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên. Vaccine có thể có tá dược hoặc không, tùy thuộc vào loại vaccine.

Một số loại vaccine được đựng trong các ống có thể sử dụng nhiều lần, do vậy phải có cả chất bảo quản để đảm bảo có thể để được lâu mà không sợ vi khuẩn xâm nhập. Một trong những loại chất bảo quản được quan tâm nhất là thimerosal, do nó chứa hợp chất thủy ngân ethylmercury. Theo trang web của CDC, hợp chất thủy ngân trong thimerosal không gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại ống vaccine dùng một lần ngày càng phổ biến. Các loại ống này sẽ không cần chất bảo quản như thimerosal.

Quá trình phát triển vaccine

Quá trình phát triển vaccine có thể chia thành 6 giai đoạn:

  • Thiết kế vaccine: nghiên cứu mầm bệnh và quyết định làm thế nào để tạo ra kháng nguyên kích thích hệ miễn dịch.
  • Thử nghiệm trên động vật: vaccine sẽ được thử nghiệm trên những con vật để đảm bảo có tác dụng trên động vật và không có tác dụng phụ quá nguy hiểm.
  • Thử nghiệm lâm sàng bước 1: đây là bước đầu tiên thử nghiệm trên người để kiểm tra độ an toàn, liều lượng và các tác dụng phụ của vaccine. Quá trình này chỉ cần một số ít người thử nghiệm.
  • Thử nghiệm lâm sàng bước 2: các nhà khoa học phải phân tích kỹ hơn ảnh hưởng của vaccine tới cơ thể người. Họ phải thử nghiệm trên số đông bệnh nhân và phân tích các phản ứng về sinh lý của cơ thể.
  • Thử nghiệm lâm sàng bước 3: ở bước này số bệnh nhân tham gia thử nghiệm sẽ còn nhiều hơn, thời gian thử nghiệm dài hơn.
  • Cấp phép: các cơ quan quản lý về dược như FDA của Mỹ hay EMA của châu Âu sẽ nghiên cứu các kết quả kiểm nghiệm và kết luận thuốc có an toàn hay không để cấp phép sử dụng đại trà.

Thông thường, để tạo ra một loại vaccine có thể mất đến hơn 10 năm. Khi quá trình cấp phép đã hoàn tất, công ty dược phẩm mới có thể sản xuất vaccine số lượng lớn.

Phân loại vaccine

Trước đây vaccine được chia thành 3 loại: vaccine giải độc tố, vaccine chết, vaccine sống giảm độc lực. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ sinh học chúng ta có thêm 2 loại: vaccine chiết tách và vaccine tái tổ hợp.

Vaccine giải độc tố

Được sản xuất từ ngoại độc tố của vi khuẩn bằng cách làm mất tính độc nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Khi hệ miễn dịch tiếp nhận vaccine giải độc tố, chúng học cách chống lại độc tố tự nhiên. Hệ miễn dịch sản xuất ra các kháng thể trung hòa độc tố

Ví dụ: vaccine bạch hầu, vaccine uốn ván…

Vaccine bất hoạt (chết)

Được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh đã chết. Các vaccine này an toàn và ổn định hơn vaccine sống, các vi sinh vật gây bệnh đã chết không thể đột biến trở lại. Các kháng nguyên chủ yếu kích thích đáp ứng miễn dịch.

Tuy nhiên vaccine chết đáp ứng miễn dịch yếu hơn vaccine sống nên được tiêm thành nhiều liều hoặc tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Điều này có thể hạn chế cho những người dân sống ở vùng không có điều kiện về chăm sóc y tế thường xuyên, không thể tiêm nhắc lại đúng lịch.

Ví dụ: vaccine ho gà, vaccine thương hàn, vaccine tả, vaccine Salk (phòng bại liệt), vaccine viêm não Nhật Bản…

Vaccine sống giảm độc lực

Được sản xuất từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật giống với vi sinh vật gây bệnh đã được làm giảm độc lực không còn khả năng gây bệnh. Do vaccine sống, giảm độc lực gần giống như đáp ứng với nhiễm trùng tự nhiên nên chúng tạo ra đáp ứng miễn dịch và sinh kháng thể mạnh, thường gây ra miễn dịch lâu dài chỉ với 1 hoặc 2 liều.

Ví dụ: vaccine BCG sống, vaccine thương hàn, vaccine Sabin (phòng bại liệt), vaccine sởi…

Khi sử dụng cần phải hết sức đặc biệt quan tâm đến tính an toàn của vaccine sống, phải đảm bảo không còn khả năng gây bệnh hoặc chỉ gây bệnh nhẹ, và vi sinh vật phải có tính di truyền ổn định không trở lại độc lực ban đầu.

Vaccine tách chiết

Kháng nguyên được tách chiết từ vi sinh vật.

Ví dụ: kháng nguyên polysaccharid của cầu khuẩn màng não, polysaccharid của phế cầu…

Vaccine tái tổ hợp

Bằng công nghệ sinh học hiện đại, gen mã hóa cho kháng nguyên vi sinh vật cần có để làm vaccine được tách và tái tổ hợp vào E. coli hoặc một dòng tế bào thích hợp.

Ví dụ: vaccine tả, vaccine thương hàn…

Các nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine tái tổ hợp cả trên vi khuẩn và virus cho HIV, dại và sởi.

Những vấn đề cần lưu ý

Đối tượng được tiêm vaccine


Trẻ em nên được tiêm chủng rộng rãi.

Những người có nguy cơ cao nhiễm vi sinh vật gây bệnh mà chưa có miễn dịch. Trẻ em nên được tiêm chủng rộng rãi, đối với người lớn chỉ tiêm chủng cho những nhóm người có nguy cơ cao.

Tiêm chủng phải đạt trên 80% đối tượng chưa có miễn dịch mới có khả năng ngăn ngừa dịch. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Đối tượng tuyệt đối không được tiêm chủng vaccine:

  • Những người đang bị sốt cao
  • Có biểu hiện dị ứng
  • Vaccine sống giảm độc lực không được tiêm cho người bị thiếu hụt miễn dịch hoặc người đang dùng thuốc đàn áp miễn dịch, những người mắc bệnh ác tính và phụ nữ có thai

Thời gian tiêm chủng

Tiêm chủng trước mùa dịch, đủ để cơ thể có thời gian hình thành miễn dịch

Những vaccine tạo miễn dịch cơ bản phải tiêm chủng nhiều lần, cần có khoảng cách hợp lý giữa các lần tiêm chủng phù hợp với từng loại vaccine

Thời gian tiêm chủng nhắc lại tùy thuộc vào thời gian duy trì được hình thành miễn dịch còn đủ hiệu lực bảo vệ của mỗi loại vaccine.

Liều lượng

Tùy thuộc vào từng loại vaccine và đường đưa vào cơ thể. Liều quá thấp sẽ không đủ khả năng để kích thích đáp ứng miễn dịch. Liều quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng dung nạp đặc hiệu.

Đường tiêm

  • Chủng: con đường cổ điển, hiện nay ít dùng.
  • Tiêm: tùy thuộc vào từng loại vaccine có thể tiêm trong da, dưới da, tiêm bắp.
  • Uống: kích thích miễn dịch tại đường ruột hơn tiêm.

Tác dụng không mong muốn

  • Một số vaccine có thể gây tác dụng phụ nhẹ, tạm thời như sốt, đau nhức, sưng tấy tại nơi tiêm. Nếu tiêm chủng không đảm bảo vô khuẩn có thể gây nhiễm trùng.
  • Co giật, shock phản vệ có gặp nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Tiêu chuẩn của vaccine

  • An toàn: vô trùng, thuần khiết, không độc.
  • Hiệu lực: gây miễn dịch ở mức độ cao và tồn tại lâu.

Bảo quản vaccine

Vaccine được bảo quản tốt ngay từ lúc sản xuất cho tới khi được tiêm vào cơ thể con người. Thường quy bảo quản các vaccine không giống nhau, nhưng đều cần được bảo quản trong điều kiện khô, tối và lạnh.

Nhiệt độ và ánh sáng phá hủy tất cả các loại vaccine, nhất là những vaccine sống, đông lạnh phá hủy nhanh các vaccine giải độc tố.

Tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của chính bạn và người xung quanh

Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.

Vaccine và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại. Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vaccine hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vaccine và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Vaccine có an toàn không?

Vaccine hầu hết an toàn. Bất kỳ loại vaccine nào được cấp phép đều được kiểm tra nghiêm ngặt qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước khi được phê duyệt để sử dụng và thường xuyên được đánh giá lại khi nó có mặt trên thị trường.

Hầu hết các phản ứng vaccine thường là nhỏ và tạm thời, chẳng hạn như đau cánh tay, sốt nhẹ hoặc nổi cục u chỗ tiêm. Tỉ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường rất thấp, ít xảy ra. Lợi ích của việc tiêm vaccine vượt xa rủi ro và nhiều bệnh tật, tử vong sẽ xảy ra nếu không có vaccine.

Cập nhật: 18/03/2020 Theo vnreview/zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video