Trolley Problem là thí nghiệm thú vị, giúp chúng ta nhận ra tâm lý con người có tính quy luật và vẫn còn nhiều thiếu sót.
Vào năm 1967, nhà tâm lý học Philippa Foot đưa ra thí nghiệm tâm lý rất nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Nó tên là "Trolly Problem", nội dung khá đơn giản nhưng gây tranh cãi thì thôi rồi!
"Trolly Problem" - bài toán "đại nghĩa diệt thân" hay "để số phận sắp đặt"
Phiên bản cổ điển nhất của thí nghiệm tưởng tượng này như sau: Có 1 đoàn tàu hỏa đang lao rất nhanh về phía 5 công nhân có mặt trên đường ray, còn bạn đứng cạnh công tắc.
Công tắc này có thể lái đoàn tàu sang đường ray thứ 2, ở đó chỉ có 1 người công nhân.
Vấn đề ở đây là, bạn chọn hi sinh 1 để cứu 5 hay để yên cho đoàn tàu lao đi kết liễu 5 người?
Thí nghiệm tưởng tượng này nổi tiếng vì: Nó buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn dù không có lựa chọn nào tốt cả
Như thế nào?
1. Không có lựa chọn tốt vì cách nào cũng có người phải chết.
2. Việc chọn hi sinh 1 người để cứu 5 người thường được coi là hành động dẫn đến kết quả tốt.
3. Tuy nhiên, việc để 1 hay 5 người chết đều bị ràng buộc bởi đạo đức, đặc biệt khi người phải chết là ai đó bạn quen biết.
Về cơ bản, "Trolley Problem" là bài toán cơ bản giúp ta nhận ra sự khác biết giữa việc giết người và để người khác chết.
Theo nhà khoa học Eleanor Nelsen, khảo sát cho thấy 90% số người biết đến "Trolley Problem" sẽ chọn bấm công tắc, hi sinh 1 mạng để cứu 5 người.
Với 1 khảo sát khác trên các triết gia vào năm 2009 thì: Gần 70% sẽ bấm công tắc, 8% không bấm, 24% còn lại chọn cách khác hoặc không đưa ra câu trả lời.
Còn trong 1 thử nghiệm khác: Chuyên gia tâm lý học Masicampo đã nói với con trai 2 tuổi về "Trolley Problem" và xem cậu bé sẽ chọn cách nào.
Chú nhóc đã chọn cách cho cả 6 người thăng thiên. Đây cũng có thể coi là sự công bằng khi số phận dành cho tất cả là như nhau?
Lý giải bài toán vốn... không có lời giải xác đáng
"Trolley Problem" cơ bản
Trong quy chuẩn đạo đức phổ biến của con người, chúng ta hướng đến việc hành động sao cho nhiều người nhất được hưởng lợi hoặc, hạn chế tối đa số người phải bỏ mạng.
Vì thế, trong trường hợp "Trolley Problem" đưa ra bên trên: 5 mạng người to tát hơn 1, và ngay cả khi biết rõ 1 người sẽ phải chết, số đông vẫn chọn bấm công tắc.
Tuy nhiên, tâm lý con người là thứ gì đó vừa phức tạp, vừa đơn giản. Chỉ cần thay đổi một chút về bối cảnh của "Trolley Problem", chắc chắn chị em sẽ tiếp tục đau đầu.
Dị bản của "Trolley Problem"
Phiên bản "Trolley Problem" khác, nổi tiếng không kém và thường được mang ra làm ví dụ song song lại chỉ có 1 đường ray.
Bối cảnh: Bạn đứng trên 1 cây cầu và bên dưới có đoàn tàu lao tới, chỉ có 1 đường ray và 5 công nhân đang có mặt ở đó.
Đứng cạnh bạn là 1 gã béo, nếu huých gã ngã xuống đường ray, đoàn tàu sẽ bị chặn lại và cứu được 5 người (đương nhiên gã bị đẩy xuống sẽ chết).
Kết quả khá thú vị: chỉ 10% số người được hỏi quyết định hi sinh gã béo để cứu 5 người. Đây là cách giải quyết của hầu hết những người theo chủ nghĩa vị lợi (utilitarian - hành động để đạt lợi ích cao nhất).
90% còn lại không chọn làm như thế, vì sao? Bản năng nói với chúng ta rằng, cố ý gây nên cái chết của ai đó hoàn toàn khác với để họ chết vì tai nạn phát sinh.
Và như thế, "Trolley Problem" là bài toán không có lời giải, nó chỉ làm nổi bật sự giao thoa giữa đạo đức và tâm lý học.
Đôi khi, không hề có lựa chọn đúng hay sai
Về cơ bản, đôi khi không có lựa chọn đúng hay sai trong cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể đánh giá nó theo các yếu tố khác chứ không phải ưu, khuyết điểm hay sự hợp lý của lựa chọn.
Vài sự thật thú vị về cách quyết định:
- Đàn ông quyết định đẩy gã béo xuống đường nhiều hơn phụ nữ
- Những người được xem phim hài trước khi được hỏi cũng vậy
- Nếu có 1 ông béo lẫn 1 bà béo trên cây cầu đó, người ta sẽ chọn đẩy ông béo
Trải qua rất nhiều nghiên cứu về hành vi con người trong các trường hợp "bấm nút", "đẩy hay không đẩy" - các nhà khoa học phát hiện ra rằng: Trong cả 2 trường hợp, các vùng não liên quan đến việc đưa ra quyết định đều hoạt động hết công suất.
Tuy nhiên, trong trường hợp "cây cầu", phản ứng cảm xúc và xung đột nội tâm mạnh mẽ hơn.
Việc bạn đẩy ai đó và khiến họ chết, thiên về phía cá nhân hơn - gợi lên sự phản cảm, khiến ta nghĩ mình đang cố ý giết người. Tuy nhiên, dù mâu thuẫn nhưng kết quả vẫn hợp lý (cứu 5 người) nên nhiều người vẫn chọn hi sinh 1.
- Nhiều nhà khoa học và chuyên gia tâm lý bác bỏ "Trolley Problem" vì nó là giả thuyết vô thực, diễn ra trong tưởng tượng nên những người được hỏi trả lời không nghiêm túc.
"Trolley Problem" chính là lý do tại sao con người vẫn chưa có đủ niềm tin để robot và xe tự lái hoạt động tự do ngoài đường
Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, con người vẫn mơ đến tương lai tự động hóa 100% bằng AI (trí tuệ nhân tạo) với nhân công robot, xe tự lái chạy đầy đường.
Nhưng để đạt được giấc mơ đó, cách phân tích đạo đức lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ví dụ:
Có nên để xe tự lái chọn gây ra tai nạn nhỏ để ngăn chặn tai nạn lớn? (chọn tông 1 người thay vì 5 người)
- Có nên để robot quân sự hi sinh mạng sống của người dân vô tội để tiêu diệt mục tiêu đặc biệt nguy hiểm? (bắn tên lửa vào đám đông có siêu khủng bố trong đó)
Chỉ nghe câu hỏi đã thấy tranh cãi từ năm này qua năm khác không có hồi kết. Để thấy những quyết định này có hợp lý hay không, chúng ta cần phải đặt ra được cách đánh giá sinh mạng con người. Và điều này có lẽ phải rất lâu nữa mới đạt được.