Ngày Tình nhân 14/2 là dịp để các cặp đôi bày tỏ tình yêu đến nửa kia của mình bằng những món quà tặng, những tấm thiệp ghi lời yêu thương. Tuy nhiên, phong tục truyền thống trong ngày này có nhiều sự khác biệt thú vị ở từng quốc gia khác nhau.
Không chỉ có hoa
Việc tặng quà được xem là nhiệm vụ của phái đẹp Nhật Bản trong ngày 14/2. Theo truyền thống, các cô gái thường tặng giri choco ("chocolate nghĩa vụ" hay "chocolate lịch sự") cho đồng nghiệp nam hay bạn bè, người quen nam giới. Nam giới sẽ "đáp lễ" vào ngày 14/3 hay còn gọi là ngày "Valentine trắng".
Theo Huffington Post, người dân Hàn Quốc cũng chia sẻ truyền thống tương tự. Họ còn có ngày "Valentine đen", tức 14/4. Vào ngày này, những người còn độc thân mặc đồ đen, ăn mì đen để thể hiện sự "đồng cảm". Ngoài ra, đối với giới trẻ xứ kim chi thì không chỉ có 3 ngày lễ kể trên mà tất cả các ngày 14 trong năm đều là những dịp quan trọng để bày tỏ tình cảm của mình.
Phụ nữ Nhật Bản tìm mua chocolate để tặng đồng nghiệp nam vào ngày 14/2. (Ảnh: Bloomberg).
Một chú heo béo tròn, nhiều lông xem ra chẳng có gì liên quan đến ngày lễ Tình nhân. Thế nhưng tại Đức, hình ảnh những chú heo lại được in trên thiệp, quà tặng Valentine. Đây là biểu tượng của sự may mắn cũng như khát vọng yêu.
Trong khi đó, Metro cho biết người Kurd ở Iraq trang trí những trái táo đỏ với hạt đinh hương để làm quà tặng cho nửa kia của mình. Trái táo đỏ tượng trưng cho mối quan hệ Adam và Eva, đem lại sự thịnh vượng cũng như mối quan hệ lâu dài cho các cặp đôi.
Tại Đan Mạch và Na Uy, nam giới sẽ gửi thư tình ẩn danh cho người phụ nữ mình thích vào ngày 14/2. Truyền thống này được người địa phương gọi là "gekkebrev" trong đó lá thư được ký tên bằng những chấm tròn. Số chấm tương ứng với số chữ cái trong tên người đàn ông.
Nếu người phụ nữ đoán đúng, người đàn ông sẽ tặng cô một quả trứng trong ngày lễ Tạ ơn. Nếu đoán sai, cô gái sẽ nợ người đàn ông một quả trứng.
Lá thư ẩn danh của đàn ông Đan Mạch, Na Uy gửi người con gái mình thích vào ngày 14/2. (Ảnh: travelblog).
Nếu chưa có người yêu?
Người độc thân ở Pháp thường tụ tập trong những cuộc gặp đông người để tìm kiếm cơ hội tìm được người ghép đôi. Những người phụ nữ không tìm được người ghép đôi sẽ tụ tập với nhau vào lúc cuối ngày để cùng đốt ảnh người đã từ chối họ.
Trong khi đó tại Thái Lan, các cô gái chưa có người yêu sẽ đến đền thờ Trimurti ở Bangkok vào ngày 14/2 để cầu duyên với hy vọng sẽ tìm được người trong mộng.
Tại Anh, phụ nữ thường đặt 5 lá nguyệt quế trên giường, 4 lá ở góc và một lá ở chính giữa, vào tối ngày Valentine. Truyền thống này có từ thế kỷ 17 được cho là có thể giúp các cô gái nhìn thấy người chồng tương lai của mình trong giấc mơ.
Phụ nữ Anh đặt lá nguyệt quế trên giường vào tối Valentine, hy vọng nhìn thấy chồng tương lai trong mơ. (Ảnh: history.org).
Người Brazil không kỷ niệm lễ Tình nhân vào ngày 14/2 mà vào ngày 12/6. Vào ngày này, phụ nữ độc thân sẽ viết tên những người đàn ông mà mình có cảm tình, sau đó để vào một cái nón và "rút thăm". Họ tin rằng người mà họ bốc trúng có thể trở thành chồng họ trong tương lai.
Ở Scotland có một bữa tiệc dành cho những người chưa lập gia đình vào ngày Valentine. Trong ngày này, mỗi người độc thân sẽ viết tên của một ai đó vào mẩu giấy rồi đặt chúng vào một trong hai chiếc mũ, một chiếc để tên của những chàng trai, chiếc kia để tên của các cô gái. Các cô gái sẽ lần lượt bốc một mẩu giấy và cái tên mà họ bắt được sẽ là người cùng đi chơi Valentine với mình.
Vào ngày 7/7 âm lịch, người dân ở Trung Quốc tổ chức Lễ hội Qixi, bắt nguồn từ truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau một lần duy nhất trong năm, chứ không phải là ngày 14/2 như truyền thống châu Âu.
Ở Estonia, những người độc thân có lẽ sẽ được an ủi khi Valentine là dịp dành cho tình bạn. Bởi vậy, tất cả mọi người đều tặng thiệp và quà tặng cho nhau. Tại Phần Lan, Valentine cũng là dịp để mọi người kỷ niệm mối quan hệ bạn bè thân thiết của mình.
Valentine trắng năm nay là ngày Thứ Hai, 14/3/2022.