Vệ tinh Viễn thám châu Âu 2 (ERS-2) của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến rơi trở lại Trái đất trong tháng 2.
Vệ tinh ERS-2 phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 4/1995 và hoàn thành nhiệm vụ quan sát Trái đất vào tháng 9/2011. ESA bắt đầu chuẩn bị cho quá trình rơi của vệ tinh này thậm chí trước khi nhiệm vụ chính của nó kết thúc, Space hôm 8/2 đưa tin.
Minh họa vệ tinh ERS-2 của ESA trên quỹ đạo Trái đất. (Ảnh: ESA).
Cụ thể, ESA đã khai hỏa động cơ của ERS-2 tổng cộng 66 lần vào tháng 7 và tháng 8/2011. Những thao tác này tiêu tốn hết nhiên liệu còn lại của ERS-2 và hạ thấp độ cao trung bình của nó từ 785km xuống còn khoảng 573km, giúp giảm đáng kể nguy cơ va chạm với các vệ tinh hoặc rác vũ trụ khác, đồng thời đảm bảo quỹ đạo của ERS-2 sẽ hạ thấp đủ nhanh để nó rơi trở lại khí quyển trong vòng 15 năm.
Khi mới phóng, ERS-2 là vệ tinh quan sát Trái đất tinh vi nhất từng được châu Âu phát triển và phóng lên không gian. Vào thời điểm cất cánh, nó nặng 2.516kg. Giờ đây, khi cạn nhiên liệu, nó nặng khoảng 2.294kg.
ERS-2 khá lớn, nhưng những vật thể lớn hơn nhiều từng rơi trở lại Trái đất trong thời gian gần đây. Ví dụ, tầng lõi nặng 23 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B (do Trung Quốc chế tạo) rơi không kiểm soát khoảng một tuần sau mỗi lần phóng. Những vụ hồi quyển như vậy đã xảy ra ba lần trong ba năm qua. Đặc điểm thiết kế này khiến nhiều chuyên gia vũ trụ phẫn nộ.
Quá trình rơi của ERS-2 kéo dài hơn nhiều, lên tới 13 năm. Nhưng vệ tinh giờ đã đủ thấp để bị lực cản khí quyển kéo xuống nhanh chóng. Quá trình này sẽ tăng tốc trong những ngày tới. Cú rơi sẽ không kiểm soát được vì ERS-2 đã hết nhiên liệu và các chuyên gia không thể khai hỏa động cơ nữa.
Còn quá sớm để dự đoán địa điểm và thời gian ERS-2 lao xuống khí quyển Trái đất, nhưng nhiều khả năng nó sẽ rơi xuống đại dương vì nước bao phủ khoảng 70% bề mặt hành tinh. Vệ tinh sẽ phân rã ở độ cao khoảng 80km. Hầu hết mảnh vỡ sau đó sẽ cháy rụi trong khí quyển. Theo ESA, không cần quá lo lắng về những mảnh rơi xuống bề mặt Trái đất vì chúng không chứa chất độc hại hay chất phóng xạ.
Tỷ lệ mảnh vỡ rơi trúng người cũng cực kỳ nhỏ. Nguy cơ một người bị thương do rác vũ trụ hàng năm nhỏ hơn 1 trên 100 tỷ, theo ESA. Con số này thấp hơn khoảng 65.000 lần so với nguy cơ bị sét đánh trúng.